Gặp nghệ nhân đặc biệt…

07/09/2018 | 08:27 GMT+7

Những nghệ nhân mà tôi đã gặp, đa phần là đờn, ca tự do hoặc làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Riêng nghệ nhân Đinh Lập (Đinh Văn Độc Lập), ở phường IV, thành phố Vị Thanh, lại rất đặc biệt.

Nghệ nhân Đinh Lập bên cây đờn kìm trong một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử.

Gắn bó đất Hậu Giang vì một tiếng đờn…

Anh là một bác sĩ có chuyên môn giỏi, đang là Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Bởi vậy, khi lần đầu gặp anh xúng xính trong bộ áo dài, khăn đóng, ôm cây đờn kìm trong ban nhạc tài tử, tôi ngạc nhiên mình nhìn lầm. Anh cười tươi: “Ai nói bác sĩ không chơi được tài tử? Đây là thú tao nhã mà”. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện về niềm đam mê tiếng rao đờn ngọt lịm từ nhỏ.

Sống ở Trà Vinh, nhưng ngoại ở Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, nên hàng năm được mẹ dắt về thăm ngoại. Có người anh họ biết đờn vọng cổ, anh rất thích và quyết tâm phải đờn cho bằng được. Xin mãi, ba anh mới mua cho cây guitar phím lõm, với lời hứa của anh dù đờn vẫn phải học thật giỏi. Anh bắt đầu học đờn bằng mọi cách. Học từ anh họ cách bấm, những nốt đầu tiên. Rồi nghe radio xem người ta đờn thì đờn theo. Ngoài thời gian học ở trường, rảnh rỗi là anh lại đờn.

Rồi cây đờn gắn bó với anh cả những năm tháng học phổ thông, đại học. Càng lớn, chương trình học càng nhiều, thời gian dành để luyện đờn cũng ít dần, nhưng niềm đam mê chưa bao giờ vơi đi. Cơ duyên lại đến khi anh có mấy tháng thực tập tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Vị Thanh những năm 2000, một ý nghĩ lóe lên và trở thành hiện thực là anh đã quyết tâm về đây công tác, trụ lại mảnh đất quê ngoại và được thỏa sức với niềm đam mê tài tử.

Anh thấy ấm áp khi được theo đuổi niềm đam mê thứ hai không kém nghề chính.

Cùng ra sức giữ gìn nét đẹp tài tử

Về Hậu Giang công tác, anh bắt đầu tìm được cho mình nơi vừa được làm nghề yêu thích, vừa thỏa niềm đam mê. Anh bắt đầu làm quen với những nghệ nhân tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương. Rồi có dịp được rèn ngón đờn đồng thời học thêm các nhạc cụ khác như kìm, sến. Mỗi một loại đờn đều cho anh một cảm xúc rất riêng. Anh học từ các nghệ nhân đờn. Anh còn học từ những nghệ nhân khắp nơi, giới thiệu ngón đờn qua các clip trên mạng… Rồi anh tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ tài tử ở địa phương…

Hỏi anh: “Bận rộn với công việc, thời gian đâu để anh tụ tập với các nghệ nhân”. Anh trả lời ngay không cần nghĩ: “Có đam mê thật sự, mình sẽ sắp xếp được thôi. Mấy anh em có thể đến nhà, tại phòng mạch của tôi hay tôi tới nhà họ. Đờn cũng là cách tôi giải tỏa những áp lực trong công việc, cuộc sống, tôi thấy mình luôn tràn đầy năng lượng…”.

Anh đã xem Hậu Giang là nơi mình gắn bó, có một mái ấm hạnh phúc, cùng người vợ đồng cảm, sẻ chia công việc, niềm đam mê của chồng và có hai con học giỏi, ngoan ngoãn. Công việc, cuộc sống ổn định, anh càng có thời gian để tham gia đờn nhiều hơn. Bạn bè ở đâu rủ sinh hoạt tài tử, sắp xếp được thời gian là anh vác đờn đi ngay.

Anh nói, được gặp, được góp chút sức giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, cùng mọi người thắp truyền ngọn lửa đam mê đờn ca tài tử, giờ không chỉ là sở thích, mà còn là trách nhiệm. Anh làm bằng tất cả tấm lòng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đờn của mình và học từ những nghệ nhân khác, góp phần làm cho đờn ca tài tử được phát huy một cách trọn vẹn.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>