Đời làm cách mạng và nghiệp đờn ca

27/04/2018 | 08:43 GMT+7

Đó là hai chuyện gắn liền với cuộc đời nghệ nhân Hồ Chí Trung (Chín Trung). Trò chuyện với chúng tôi ngay trên giường bệnh, nghe ông kể chuyện cống hiến, chuyện đời và chuyện ông đến với đờn ca tài tử như một cái duyên !

Tập đờn ca để làm cách mạng

Suy nghĩ của người thanh niên trẻ Hồ Chí Trung vào những năm 1950 là như vậy. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, thấu hiểu được cảnh sống mất tự do, nên từ nhỏ đã nuôi quyết tâm đến tuổi sẽ theo cách mạng. Ông mê văn nghệ nên tham gia ca hát ở xóm, ấp, rồi đi học đờn cò. Trong khoảng thời gian này, ông được gặp những cô chú làm cách mạng và họ nói với ông rằng, hãy ráng tập hát, tập đờn cho tốt, vậy cũng là một cách để làm cách mạng. Theo sự chỉ dạy của những người đi trước, ông vừa tham gia văn nghệ, vừa tuyên truyền cho thanh niên giác ngộ cách mạng, hát những bài đậm đà tinh thần yêu nước.

Trong câu chuyện lúc nhớ, lúc quên của mình, ông nói, hồi đó, ông đi tuyên truyền vui lắm, địch cũng phát hiện, bắt bớ. Nhưng ông không hề sợ mà còn hát vang lên. Vì không có bằng chứng, mà chúng thấy ông hát hay, nên kêu hát cho chúng nghe nữa… Năm 1964, không thể ở tại địa phương, ông thoát ly gia đình, làm công tác an ninh. Lúc này, không mang được đờn theo, công tác triền miên, lại ác liệt, nên ca hát cũng bị ông bỏ quên. Nhưng hễ rảnh là ông lại nhẩm hát, tự đặt lời cho các bản tài tử để đỡ nhớ nghề. Ông từng kinh qua nhiều vị trí trong ngành, khi về hưu vào năm 1990, ông mang hàm đại tá, giữ chức Trưởng phòng Phong trào Quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Cần Thơ. Từ khoảng thời gian này, ông bắt đầu vui vầy cùng con cháu, thỏa sức với niềm đam mê tài tử…

Đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không còn tốt, nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng tươi trẻ, trên môi luôn nở nụ cười thật tươi khi nghe hỏi đến đờn ca tài tử.

Gầy dựng phong trào đờn ca tài tử

Ông kể, khi về hưu, ông về sống tại phường IV, thành phố Vị Thanh, cho đến nay và bắt đầu lại hành trình đam mê đã từng bị đứt quãng của mình, là gầy dựng lại phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Tập hợp những người có chung niềm đam mê lại thành câu lạc bộ, rồi tổ chức sinh hoạt, học các bài bản tài tử. Lúc này, ông mới bắt đầu học lại để nắm chắc, nắm sâu về bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Ông viết lời mới cho các bài bản tài tử, vừa đờn và hát tài tử. Niềm đam mê ngày càng được tiếp sức khi có nhiều cuộc thi về đờn ca tài tử được tổ chức. Ông chia sẻ, đây là khoảng thời gian ông thấy hạnh phúc vì được sống lại niềm đam mê từ nhỏ, sau một quãng thời gian dài đi phục vụ Nhân dân. Tham gia đờn ca tài tử giúp ông luôn yêu đời, sức khỏe cũng tốt hơn. Được gặp gỡ nhiều nghệ nhân, những ông bạn già, nên ông càng học tập và trau dồi ngón đờn của mình để nó ngọt ngào, điêu luyện hơn. Không chỉ chuyên cây cò, ông còn đàn được cây kìm và guitare phím lõm.

Nghệ nhân Hồ Chí Trung không chỉ góp phần xây dựng phong trào ở địa phương, không chỉ ở phường IV, mà còn ở Hội Người cao tuổi tỉnh, nơi ông tham gia công tác sau khi về hưu. Ông còn thành lập riêng một CLB mang tên ông và sinh hoạt đến bây giờ.

Những năm gần đây, sức khỏe yếu, ông thôi không làm chủ nhiệm, nhưng vẫn là thành viên tích cực, hễ ai rủ là ông vác đàn đi. Những hội thi, hội diễn trong tỉnh cũng không khi nào vắng mặt ông. Ông cười hiền: “Được đi đờn là tôi khỏe re hà. Kệ, mình góp mặt được nhiêu hay bấy nhiêu. Miễn sao môn nghệ thuật này được mấy bạn trẻ tiếp tục yêu mến và phát huy, để giữ được vẻ đẹp của nó là tôi mãn nguyện rồi”. Ông nói, ai thích học là ông chỉ, cốt sao giữ được cái hồn của tài tử. Muốn đờn hay, hát giỏi phải nắm được cái hồn của nó, muốn truyền đạt đúng phải hiểu tận tường. Điều đó không hề dễ, mà phải được tích lũy và trải nghiệm từ rất nhiều năm của một người có lòng yêu nghề, hết mình với môn nghệ thuật dân tộc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>