Hiệu quả tích cực từ Chỉ thị 40

13/08/2020 | 07:02 GMT+7

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách, góp phần cho công cuộc xóa đói nghèo và phát triển kinh tế - xã hội một cách tích cực.

Các hội đoàn thể quản lý tốt đã góp phần cho nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả.  

Phải khẳng định rằng, trong các chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội. Từ khi có Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp cùng ngân hàng trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, công tác phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tiếp tục được quan tâm, chú trọng.

Ông Hồ Văn Thiện, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Hiệp, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả hơn từ khi thực hiện Chỉ thị 40. Hiện tại, trong tổ có 36 tổ viên, với tổng dư nợ 938 triệu đồng, hầu hết các tổ viên đều tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Để hộ vay sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả trong đầu tư nguồn vốn, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng ngân hàng phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn cho hộ vay thực hiện những mô hình làm ăn hiệu quả kinh tế và theo dõi hộ vay sử dụng nguồn vốn. Nhờ đó, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, đến nay trong tổ chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Với tinh thần đó, trong năm 2020, tổ tiếp tục phấn đấu thoát hộ nghèo và cận nghèo.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang (NHCSXH), đầu năm 2018, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 tại 76/76 xã, phường, thị trấn để đánh giá quá trình triển khai thực hiện. Từ đó chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để phân tích nguyên nhân và đề ra những giải pháp khắc phục trong quá trình hoạt động. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của NHCSXH Trung ương, đến nay chi nhánh được cân đối điều chuyển 2.428 tỉ đồng để thực hiện cho vay.

Sau khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động tăng lên. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng được quan tâm và tăng cường. Trong giai đoạn 2015-2019, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 40 tỉ đồng, riêng năm 2020 tăng 51,5 tỉ đồng, mức tăng lớn nhất trong những năm qua.

Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát mà còn chung tay trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã góp phần cho tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện là thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 32/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62,75%. UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã công nhận 3 xã nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại bình quân đạt 12 tiêu chí và số tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 16,3 tiêu chí/xã. Chỉ tiêu này đã đạt 100% kế hoạch 5 năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cũng còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, để đồng vốn phát huy hiệu quả, ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đề xuất: “Nên nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, điển hình như mô hình nuôi lươn, ốc bươu đen đang phát huy hiệu quả trong dân. Nên chăng các ngành, địa phương xây dựng mô hình và đưa vào nghị quyết thực hiện”. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị trong thực hiện tín dụng chính sách thì xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả rất quan trọng, do đó nên đa dạng theo khả năng và lực lượng lao động. Vì vậy, vai trò của tổ kỹ thuật ở các địa phương cũng rất cần thiết để tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hộ vay.

Để tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đề nghị tiếp tục tăng cường vai trò giám sát, chỉ đạo có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư. Theo đó, thành viên ban đại diện cấp xã quan tâm sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đặc biệt chú ý những mô hình dễ làm, ít vốn, có hiệu quả ngay. Đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm về giống và hỗ trợ kỹ thuật cho những mô hình. Đặc biệt, đối với các xã có chất lượng tín dụng chưa ổn định phải quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch ở xã, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chỉ thị 40 đến với người dân.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, góp phần cho hơn 45.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho trên 4.700 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, trên 5.800 lao động được tạo việc làm từ quỹ giải quyết việc làm, 30 lao động được đi làm việc ở nước ngoài, trên 63.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, giải quyết 978 căn nhà ở cho hộ nghèo, 130 căn nhà cho các hộ dân sinh sống trong vùng lũ, vùng thường xuyên bị sạt lở.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>