Đã có 5 ngân hàng Việt đạt chuẩn Basel II

18/04/2019 | 15:58 GMT+7

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trở thành những ngân hàng đầu tiên được áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam, nâng tổng số ngân hàng đạt chuẩn Basel II lên con số 5.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) , các ngân hàng này sẽ bắt đầu tuân thủ các quy định tại Thông tư 41 từ ngày 1/5/2019. Quyết định trên cũng đồng nghĩa mọi hoạt động của ngân hàng sẽ tuân thủ theo chuẩn mực Basel II từ đầu tháng 5.

Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường. Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn.

Một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu. Ở khía cạnh này, lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng liên tục đáp ứng rất tốt trong những năm qua. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank trong những năm gần đây luôn cao hơn rất nhiều so với quy định 8% theo tiêu chuẩn Basel II. Kết thúc năm 2018, hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II của VPBank là 11,2%.

Tuy nhiên, tỉ lệ an toàn vốn chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo. Lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 năm qua, ngân hàng đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro. Tất cả các đơn vị kinh doanh và đơn vị hỗ trợ thường xuyên nhận được báo cáo về mức độ sử dụng vốn theo chuẩn Basel II, cũng như các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vốn, giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng.

Các quyết định kinh doanh nhờ đó không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn cân nhắc các yếu tố rủi ro đã được lượng hóa. Kết quả là trong bốn năm trở lại đây, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hệ thống. Hiệu suất thu lời trên từng đồng vốn cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường. Tổng thu nhập hoạt động trong năm 2018 của ngân hàng là hơn 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 2,4% và 22,8%.

Còn với MB, ngân hàng này luôn đề cao và kiên định xây dựng văn hóa quản trị rủi ro. Điều này giúp MB có một hệ thống quản trị rủi ro chủ động, được nhận thức và thực thi có trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với đặc thù rất riêng, sự biến động không ngừng của nền kinh tế cũng như ngành ngân hàng, quản trị rủi ro trở thành hoạt động không những được chính các ngân hàng mà cả các cổ đông cũng rất quan tâm. Quản trị rủi ro vượt trội luôn là nền tảng trọng yếu ở các giai đoạn chiến lược của MB và cũng là chuyển dịch rất quan trọng trong nhóm 4 chuyển dịch chiến lược của MB giai đoạn 2017-2021 mà trong đó, triển khai và ứng dụng Basel II là cốt lõi. Việc phê duyệt của NHNN công nhận MB đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN khẳng định MB là một trong các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, năng động trong kinh doanh, chắc chắn trong công tác phòng ngừa và hạn chế rủi ro.

Ngân hàng khác là TPBank cũng đã sớm xây dựng cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo các hoạt động của ngân hàng an toàn, minh bạch, ổn định. Những kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế quản trị rủi ro nội bộ đã giúp ngân hàng sớm đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật của việc tính toán hệ số an toàn vốn theo hướng dẫn của NHNN.

Như vậy, với việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tuân thủ Thông tư 41, các ngân hàng đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc. Đồng thời, do một trong ba trụ cột của Basel II là minh bạch thông tin, hoạt động quản trị doanh nghiệp của ngân hàng cũng sẽ minh bạch hơn, nâng cao tính hiệu quả hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Cuối cùng, khung quản trị rủi ro vững chắc và hoạt động minh bạch sẽ tạo nền tảng cho ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai một cách bền vững và hiệu quả.

Có 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai thí điểm Basel II từ năm 2014.

Đến nay mới có 4 trong số 10 ngân hàng nêu trên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được Ngân hàng Nhà nước công bố đáp ứng chuẩn Basel II.

Ngoài ra, một ngân hàng không nằm trong diện thí điểm đạt được Basel II là Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Theo Anh Minh/Chinhphu.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích