“Vui hơn khi được giúp người”

07/01/2019 | 08:28 GMT+7

Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Người tình nguyện làm công tác nhân đạo” thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành với chúng tôi.

Đối với ông Thuận, giúp đỡ mọi người là việc nên làm.

Căn nhà nhỏ ở nhờ với diện tích khoảng 15m2, thiếu trước hụt sau là nơi trú ngụ của người phụ nữ bất hạnh trạc ngoài 60 tuổi Thạch Thị Điệp, ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm. Hơn 10 năm qua, bà Điệp phải sống trong cảnh mù lòa vì bệnh cườm nước, chồng mất, không con cái. Trong nhà chẳng có gì quý giá, không ghế ngồi, chỉ có mỗi chiếc giường để bà Điệp ngủ. Chúng tôi hỏi thăm mới biết, hàng ngày bà Điệp đi bán vé số khắp nơi để mưu sinh, nhưng mấy tháng nay bị người ta giật nên chẳng còn vốn, đành nghỉ ở nhà. Bà Điệp bùi ngùi nói: “Tôi còn sống tới hôm nay là nhờ mọi người và địa phương thương mà đùm bọc. Đặc biệt chú Thuận thường lui tới thăm, tặng gạo hàng tháng, cho thêm cái giường để tôi ngủ và nhiều phần quà, tiền mặt vào lễ, tết. Tôi biết ơn lắm và thấy ấm lòng”.

Bà Điệp là một trong những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương được ông Thuận hỗ trợ. Chúng tôi nghĩ rằng, sự san sẻ này ngoài giá trị vật chất còn mang nặng ý nghĩa tinh thần, giúp đỡ lẫn nhau khi rơi vào cùng cực, lúc ấy, tình cảm giữa con người càng được đề cao. Bắt đầu câu chuyện với ông Thuận trong một buổi chiều mưa, bên cạnh dòng sông Cái Côn gió mạnh, sóng cuộn trào, nhưng chúng tôi chẳng hề lạnh….

Đôi mắt nhìn xa xăm, ông Thuận nhớ về những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường (năm 1982), đã bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện. Sau đó, vì cuộc sống mưu sinh, ông đành gác lại giấc mơ giúp người. Nhưng khi điều kiện ổn định, ông bắt đầu tham gia vào tổ từ thiện ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đến tặng quà, khám chữa bệnh cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa. Bước tiếp con đường từ thiện mà ông đã chọn và duy trì đến tận hôm nay.

Năm 2002, ông quyết định thực hiện công tác thiện nguyện ở địa phương, mới đầu có người chưa hiểu nên việc vận động kinh phí khá khó khăn. Với sự bền chí, cố gắng, quyết tâm, ông đã thành công khi việc làm ý nghĩa đang lan tỏa đến mọi người. Thế là, nhiều cá nhân cùng chung suy nghĩ, hành động đã đến với ông, kết hợp thành lập Câu lạc bộ “Người tình nguyện làm công tác nhân đạo” của thị trấn vào năm 2013, với 14 thành viên.

Ông Thuận bộc bạch: “Tôi xem làm từ thiện như một cái duyên, giúp được mọi người bản thân thấy vui, hạnh phúc và tinh thần thoải mái lắm. Tôi rất mừng vì nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chính quyền địa phương, đặc biệt là lòng tin ở mọi người, để việc hoạt động của câu lạc bộ ngày càng hiệu quả. Tôi sẽ làm hết khả năng có thể để chia sẻ phần nào gánh nặng với những mảnh đời không may mắn”.

Đến nay, ngoài nguồn vận động từ địa phương, ông còn được nhiều mạnh thường quân ở các nơi như thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh,… ủng hộ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Mái Dầm, cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ câu lạc bộ và ông Thuận đã giúp công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình khó khăn ở địa phương được thực hiện tốt hơn. Ông Thuận là người làm việc có tâm, gương mẫu, luôn phối hợp nhịp nhàng với địa phương từ việc tặng quà đến nắm danh sách đối tượng hỗ trợ”.

Trong năm qua, ông Thuận và câu lạc bộ đã vận động xây dựng 1 căn nhà tình thương, trị giá 35 triệu đồng; sửa chữa 1 căn, kinh phí 10 triệu đồng; hỗ trợ 12 địa chỉ nhân đạo, với số tiền tương đương 15,5 triệu đồng; cấp phát gạo hàng tháng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vật liệu để địa phương giặm vá nhiều tuyến đường của thị trấn; hàng trăm phần quà vào dịp lễ, tết,… được trao cho người già neo đơn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài huyện. Với những đóng góp tích cực cho công tác thiện nguyện, ông Thuận đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, vì đã có thành tích xuất sắc trong tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, giai đoạn 2008-2018.

Ở cái tuổi 55, ông Thuận luôn cảm thấy hài lòng với những gì đã đóng góp cho xã hội, chưa bao giờ mong người được giúp phải trả ơn hay nhận thành quả riêng mình. Ông Thuận tâm niệm, để thành công luôn cần có sự đồng lòng từ tập thể, mang yêu thương lan tỏa rộng hơn. Bỗng dưng, hình ảnh bà Điệp vào đầu câu chuyện lại ùa về, đọng lại trong ký ức của chúng tôi để thấy rằng, cuộc sống này còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ từ mọi người.

Những điều tốt đẹp sẽ không bao giờ bị xóa nhòa bởi vết bụi thời gian khi tình người còn tồn tại.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>