Vì cuộc sống tốt đẹp

24/08/2020 | 09:25 GMT+7

Hỗ trợ thiết thực, kịp thời, đồng cảm với những khó khăn là những việc làm mang lại hiệu quả trong chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tại huyện Châu Thành A.

Ông Lê Văn Tám (trái) có con gái bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Phát huy tốt vai trò cầu nối

Được tặng chiếc xe đạp trước thềm năm học mới, em Lý Ngọc Xuân, học sinh lớp 6, Trường THCS Tân Hòa, bộc bạch: “Em là chị lớn, dưới em còn 3 đứa em nữa, em kế em học lớp 3 đã đi được xe đạp. Hai chị em học khác trường, nếu năm nay chỉ có một chiếc xe đạp em không biết đi đứng ra sao luôn. Được thầy cô thông báo được nhận xe đạp mới, em mừng lắm”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, mẹ em Xuân cho biết: Nhà đông con, hai vợ chồng làm ruộng, gia đình thuộc diện khó khăn nên mỗi năm vào đầu năm học mới việc chuẩn bị sách vở, quần áo đã rất mệt, nếu có mua xe đạp cũng mua xe cũ, nay được tặng xe mới cả nhà ai cũng vui.

Em Xuân là 1 trong 15 trường hợp được Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A phối hợp tặng xe đạp trước thềm năm học mới. Trước đó, hội đã phối hợp với mạnh thường quân tặng xe lăn, xe lắc cho trẻ khuyết tật, người khuyết tật trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Việc chăm lo cho những trường hợp thuộc diện dễ bị tổn thương trong xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hội và phải huy động được sự tham gia của cộng đồng. Với vai trò là cầu nối, những năm qua hội tích cực vận động, đến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người, chăm lo thiết thực cho các trường hợp, mục tiêu cuối cùng là giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người tàn tật, trẻ em mồ côi có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trong tháng 8, nhân Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2020, Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A đã tham mưu cho lãnh đạo huyện, phối hợp cùng các ngành huyện và các địa phương trên địa bàn đến thăm hỏi, tặng quà những nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, cùng với đó là nhiều hoạt động chăm lo được tổ chức với các hình thức khác.

Toàn huyện Châu Thành A có tổng cộng 1.100 trường hợp phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 36 trường hợp người hoạt động kháng chiến và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm và đang được hưởng trợ cấp, 84 trường hợp là người dân bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, trên địa bàn có 1.897 người khuyết tật và 166 trẻ mồ côi.

Những năm qua, bên cạnh chế độ từ Trung ương, từ tỉnh, phía huyện đã kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để chăm lo cho những trường hợp thuộc diện trên. Từ đầu năm đến nay, tổng cộng địa phương vận động được 8.141 phần quà, quy thành tiền là gần 1,9 tỉ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho các trường hợp trên.

Tạo dựng niềm tin, tận tình chia sẻ

Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A có hơn 1.200 hội viên. Từ sự chăm lo thiết thực, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ những người dễ bị tổn thương nhất, đã giúp họ có thêm niềm tin và động lực vươn lên trong cuộc sống. Ông Phạm Văn Lời, cán bộ phụ trách nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, cho biết trong công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, điều quan trọng là phải tạo dựng được niềm tin, luôn chia sẻ và đồng hành cùng các gia đình, lắng nghe nỗi niềm của họ, để ghi nhận kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Văn Tám, ở ấp Nhơn Thuận 1A, xã Nhơn Nghĩa A, bộc bạch: “Tôi có 4 người con, 3 người con trước sinh ra và lớn lên bình thường, chỉ có đứa con gái út bị nhiễm chất độc da cam, từ nhỏ đã không bình thường, đến nay 32 tuổi rồi nhưng không tự làm gì được, phải có người trông giữ, chăm sóc suốt”.

Ông Tám lâu nay gắn bó với nghề câu, nghề lưới, còn vợ ông bán cá khô ngoài chợ Một Ngàn. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng được sự quan tâm kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần từ huyện, xã và đặc biệt là Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện, đã giúp ông và gia đình vững tin sống tốt.

Ông Đỗ Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, chia sẻ thêm: Đa số những cán bộ của hội đều lớn tuổi, bản thân ông đã bước sang tuổi 74, nhưng tất cả đều rất nhiệt tình trong công tác vận động để ủng hộ cho những nạn nhân da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo. Đã gắn bó với công tác này sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc sau mỗi phần quà được trao, mỗi phần hỗ trợ được gửi đến các trường hợp. Niềm vui đó đã lan tỏa đến từng cán bộ làm công tác này, điều đó lý giải vì sao dù lớn tuổi nhưng mọi người đều rất nhiệt tình với công việc!       

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>