Tuổi nhỏ làm việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn !

12/10/2020 | 07:58 GMT+7

Nhớ lời dạy của Bác kính yêu: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, tại các trường học trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương học sinh với hành động đẹp...

Em Trần Ngọc Thuận, học sinh lớp 8A8, Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, gương sáng về nhặt của rơi trả lại người mất.

Nhân lên hành động đẹp

Những ngày này, đến Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, sẽ được nghe câu chuyện về em Trần Ngọc Thuận, học sinh lớp 8A8, nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất.

Khoảng giữa tháng 9, một hôm sau giờ ra chơi khi chuẩn bị trở về lớp học, em Thuận đã nhặt được một sợi dây chuyền vàng trong khuôn viên trường. Do không biết vật giá trị này do bạn học sinh nào của trường đã đánh rơi, em đã mang lên nộp cho nhà trường, đồng thời chủ động tìm người mất để trao trả. Thuận tâm sự: “Do sợi dây chuyền rơi trong hành lang giữa các lớp nên em chắc là do bạn nào đó vô tình đánh rơi nhưng không hay. Ngay khi nộp sợi dây chuyền lại cho nhà trường, em đã hỏi thăm các bạn ở lớp xung quanh và trong lớp xem có ai bị mất món đồ giá trị nào không. Khi biết bạn trong lớp có đánh rơi một sợi dây chuyền, em đã đưa bạn đến văn phòng trường để xác định vật mất và trao trả cho bạn đó”.

Cha mẹ ly thân, Thuận và em trai đang sống cùng cha và bà nội đã ngoài 60 tuổi. Kinh tế gia đình hiện chỉ phụ thuộc vào công việc phụ hồ của cha. Dù sống trong môi trường thiếu thốn tình thương của mẹ và hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thuận đã không tham của rơi. Em luôn cố gắng học thật tốt để trở thành một học sinh giỏi và đội viên gương mẫu.

Thầy Dương Văn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ở trường đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt trong học sinh, trong đó có em Thuận. Với hành động đẹp của em, ngay sau đó nhà trường đã biểu dương tại buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Thông qua đây, cũng nhắc nhở học sinh toàn trường phải ra sức học tập và rèn luyện để trở thành tấm gương sáng”.

Em Bùi Nguyễn Diễm Mi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cái Tắc, huyện Châu Thành A, đập ống heo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nếu nhắc nét đẹp về hành động tử tế trong học sinh, không thể bỏ qua câu chuyện về cô học trò Bùi Nguyễn Diễm Mi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cái Tắc, huyện Châu Thành A, đập heo đất mua gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vào những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 vào giai đoạn diễn biến phức tạp, thấy nhiều người bán vé số, lao động nghèo phải tạm ngừng các hoạt động để phòng chống dịch, Diễm Mi đã dùng số tiền tiết kiệm bỏ ống hàng ngày để gửi các cô chú địa phương mua gạo hỗ trợ cho người cao tuổi khó khăn, người cao tuổi neo đơn và hộ nghèo… Diễm Mi chia sẻ: “Khi đó em không nghĩ gì nhiều, chỉ muốn làm điều gì đó để mọi người cùng vượt qua trong giai đoạn khó khăn chung thôi. Đây là lần đầu tiên, được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của bản thân, em rất vui và hạnh phúc”.

Với số tiền tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng, Diễm Mi gửi đến UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, nhờ cán bộ địa phương mua thêm những phần gạo hỗ trợ kịp thời cho người khó khăn. Từ việc làm ý nghĩa của Diễm Mi dành cho công tác an sinh xã hội địa phương, UBND xã Tân Phú Thạnh đã tặng em giấy khen khích lệ.

Làm đôi chân cho bạn đến trường

Ở Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cũng có một câu chuyện khiến nhiều người ấm lòng và xúc động về hình ảnh một đôi bạn cõng nhau vào lớp mỗi ngày ở lớp 6A5. Thương bạn kém may mắn với cơ thể không lành lặn, đi đứng lại khó khăn, nên từ khi còn học chung ở cấp tiểu học đến nay, em Danh Trường đã làm đôi chân hỗ trợ em Danh Khánh trong việc đi lại trong lớp. Danh Trường bộc bạch: “Thường bạn Khánh đi học sẽ được ông nội hoặc mẹ chở đến trường, sau đó em sẽ giúp cõng bạn lên lớp và hỗ trợ bạn trong các hoạt động sinh hoạt tại trường. Biết bạn đi đứng không thuận tiện như mọi người nên giúp được gì là em giúp, chỉ mong bạn không thấy mặc cảm và tự ti về bản thân thôi. Em mong sẽ đồng hành cùng Khánh lâu dài”.

Mỗi ngày, Danh Trường sẽ cõng Danh Khánh vào lớp.

Sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường, nhưng đến năm 3 tuổi Danh Khánh bị chứng kinh phong giật, khiến chân em ngày càng teo nhỏ và cơ thể gầy gò. Dù gia đình cũng chạy chữa nhiều bệnh viện lớn nhưng đến nay em vẫn thường xuyên tái phát bệnh, hiện tại dù đã học lớp 6 nhưng em chỉ được 19kg. Do di chứng của bệnh, chân của Khánh rất yếu chỉ đi được trên mặt đất bằng phẳng, khoảng cách gần. Danh Khánh tâm sự: “Trước đây, khi đi học thấy mình không đi đứng như mọi người em cũng rất buồn, tuy nhiên được bạn Trường giúp đỡ, thầy cô giáo quan tâm em đã dần quên đi mặc cảm bản thân. Tất cả là nhờ bạn Trường”.

Qua những việc làm của các em học sinh, thật đáng trân quý khi những thế hệ tương lai không chỉ biết ra sức học tập mà còn biết sống sẻ chia, quan tâm đến mọi người xung quanh bằng những việc làm mang ý nghĩa lớn.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>