Trả lại niềm vui cho người

14/01/2019 | 08:00 GMT+7

Tài sản gần 45 triệu đồng gồm tiền mặt và vàng đã được bà Trần Thị Lal, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, trao trả cho người đánh rơi.

Bà Lal (trái) trao trả tài sản nhặt được cho người đánh rơi.

Đối với người nông dân ở vùng quê nghèo, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như gia đình bà Lương Thị Hồng Đoan, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn - người đánh rơi tài sản, khoản tiền gần 45 triệu đồng không hề nhỏ. Đây là số tiền, vàng mà bà Đoan chuẩn bị để trả bớt món nợ gần 200 triệu đồng của gia đình, sau một biến cố hơn 2 năm trước. “Tôi vay 30 triệu đồng từ ngân hàng mua được 9 chỉ vàng, cộng thêm tiền bán lúa để dành trả nợ cho người ta. Tôi quên, nên mới mang theo tiền, vàng trong cặp rồi đi chợ, ai ngờ mất khi nào không hay. Thiệt lòng, nếu không tìm được số tài sản đó chắc tôi chết, bởi khổ càng thêm khổ khi nợ chồng nợ” - bà Đoan tâm sự trong nước mắt, với giọng khá hồi hộp. Dù đã nhận lại số tài sản bị mất, bà Đoan vẫn chưa hết chới với, nhưng gương mặt giờ đây đã ánh lên niềm vui.

Niềm vui đó có được từ chính những người tốt như bà Lal, nhân vật mà chúng tôi muốn nói. Khi nhặt được số tài sản của bà Đoan đánh rơi ở chợ, bà Lal liền nhờ người đưa sang trình báo với Công an xã để kịp thời tìm lại chủ sở hữu. Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, bà Lal đã trao trả ví tiền nhặt được cho người đánh rơi, gồm 1 giấy chứng minh nhân dân, hơn 12,4 triệu đồng, 9 chỉ vàng 9999 (4 nhẫn 2 chỉ và 1 nhẫn 1 chỉ). Bà Lal bộc bạch: “Mình mất vài trăm ngàn đã thấy buồn, huống chi số tiền lớn đến vậy. Tôi gửi lại tài sản nhưng chẳng cần cô Đoan phải trả ơn, đó là việc mà ai cũng nên làm để vật về chủ cũ. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn, đang cần tiền mà mình nhặt được không trả thì mang tội”. Từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi phải chạy ăn từng bữa, gói ghém để trả nợ nên bà Lal thấu hiểu rõ nỗi lòng của bà Đoan.

Cuộc sống gia đình bà Lal cũng khá khó khăn khi không đất sản xuất, nên đang thuê chỗ bán bún ở chợ Vĩnh Viễn với giá 500.000 đồng/tháng. Hơn 3 giờ sáng, vợ chồng bà đã phải thức dậy để nấu bún, bày hàng quán, giá mỗi tô từ 10.000-15.000 đồng. Tất bật cả ngày, bà Lal kiếm lời hơn 150.000 đồng, hôm nào may mắn bán đắt thì khoảng 250.000 đồng. Để có bằng số tiền đã nhặt được, vợ chồng bà Lal phải buôn bán gần cả năm. Nhưng bà Lal tâm niệm rằng, tài sản của người khác mình không xài được, đồng tiền tự thân làm ra mới là tiền chân chính, có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Công an xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Gia đình bà Lal luôn chấp hành tốt pháp luật, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Hiện, chúng tôi đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện tặng giấy khen cho bà Lal, nhằm kịp thời động viên, khích lệ, nhân rộng những việc làm ý nghĩa cũng như góp phần ổn định an ninh, trật tự tại địa phương”.

Trước đó, xã Vĩnh Viễn cũng có trường hợp học sinh tiểu học nhặt được 5 triệu đồng và đã trao trả cho người đánh rơi. Cuộc sống đôi khi nghèo tiền, nghèo bạc nhưng nhân nghĩa vẫn là điều quan trọng, bền vững theo thời gian. Những hành động nhỏ đã giúp cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa, dư vị mới. Từ đó, khiến những người xa lạ với nhau như bà Đoan, bà Lal trở nên thân thiết, không chỉ là sự biết ơn và còn mang tấm lòng trân quý. Nhiều điều tốt đẹp còn tồn tại sẽ giúp lòng tin giữa người và người càng được đề cao, không bị lung lay bởi những tác động xấu từ xã hội có thể làm mòn, suy thoái tư tưởng. Tiền rất cần thiết trong cuộc sống nhưng nó không phải là vạn năng, khi tình người còn đó…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>