Thêm cái chữ, rèn nết người

10/06/2019 | 09:19 GMT+7

Đại đức Lâm Út Hiền, Trụ trì chùa Bôtumvôngsây, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, luôn ra sức giúp đồng bào dân tộc Khmer trong địa phương có thêm kiến thức và phát triển cuộc sống.

Đại đức Lâm Út Hiền luôn mong muốn nâng cao trình độ cho bà con đồng bào dân tộc Khmer.

Thị trấn Cái Tắc với vị trí cửa ngõ Hậu Giang, có quốc lộ đi qua nên thường dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự. Dù mới về làm trụ trì chùa Bôtumvôngsây gần 5 năm, nhưng Đại đức Lâm Út Hiền (quê Bạc Liêu) luôn nắm rõ được đời sống, tâm tư của bà con đồng bào dân tộc Khmer ở đây. Vì vậy, đại đức luôn nỗ lực từng ngày, dạy thêm con chữ để đồng bào dân tộc được nâng cao nhận thức, từ đó, khơi dậy cái tâm trong sáng, tránh việc ăn chơi, dễ dàng sa vào các tệ nạn xã hội.

Đại đức Lâm Út Hiền chia sẻ: “Sư thấy nhiều em gia đình ly tán, hoàn cảnh khó khăn rồi đi ăn trộm, một số hoàn cảnh mồ côi, cơ nhỡ nên thương lắm. Sư kêu vào chùa tu, rồi dạy chữ Khmer, cho đi học ở trường đàng hoàng. Xây dựng con người tốt đối với sư là điều cần thiết, quan trọng”. Các hoạt động ở chùa Bôtumvôngsây đều được sự ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương. Theo đại đức Lâm Út Hiền, chính điều này đã tạo nên động lực, khích lệ tinh thần bản thân thực hiện hiệu quả nhiều phần việc.

Những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn được đại đức định hướng đã có suy nghĩ đúng đắn về một tương lai mới. Họ không còn bị cám dỗ và có điều kiện phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực. Sư Nhẫn (Cao Lý Phát) nói: “Nhà tôi ở gần đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải nghỉ học giữa chừng. Nhờ sư cả thương nên cho vào chùa vừa tu, vừa đi học. Sư cả còn dạy chúng tôi cách sống, cư xử với người lớn và đạo đức ở đời, không còn những suy nghĩ hay thói hư, tật xấu”. Chùa Bôtumvôngsây có hơn 20 người đang đi học. Bao gồm 2 thạc sĩ, 5 đại học, 5 trung cấp, số còn lại đang học THCS, THPT,… chiếm khoảng 70% số sư tu tại chùa.

Từ lúc về chùa đến nay, đại đức Lâm Út Hiền còn mở thêm những lớp dạy nói và viết tiếng Khmer cho sư tại chùa, hoàn cảnh cơ nhỡ, trẻ em, người dân địa phương muốn biết thêm về chữ Khmer. Lớp học được diễn ra các buổi sáng, chiều, tối trong tuần, tùy vào đối tượng. Sư Nhất (Dương Văn Khoa) tu tại chùa hơn 2 năm qua, là người thiếu thốn tình thương từ gia đình. Sư Nhất nói: “Ở đây chúng tôi được đi học, rèn tính kỷ luật và ý thức hơn trong mọi việc. Tôi vừa học tiếng Khmer, khi thì ôn bài cũ cùng mấy sư khác hai buổi sáng, chiều nên không còn buồn nữa”. Các lớp học luôn tạo sự thoải mái cho người tham gia nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Đại đức không cầm tay chỉ việc mà sẽ hướng dẫn để các sư và học sinh tự làm, rồi quan sát, đánh giá nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo.

Riêng các sư có ý định hoàn tục, đại đức Lâm Út Hiền cũng tạo điều kiện cho đi học bằng lái xe tải, nghề thợ hồ, thợ điêu khắc để sau này tìm một công việc ổn định nuôi sống bản thân. Với quan niệm xây dựng con người tốt, giàu tri thức, dự kiến trong năm nay, đại đức sẽ tranh thủ nhiều nguồn vận động, xin ý kiến thành lập Hội hỗ trợ học sinh hiếu học, người dân tộc,… khoảng 10 người (bao gồm học sinh và các sư). Hội sẽ hỗ trợ mọi thứ liên quan đến việc học, như quần áo, cặp sách, học phí, tiền trọ, xe đi lại,… cho đến khi tốt nghiệp đại học hoặc thậm chí là học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ.

 Ngoài ra, đại đức Lâm Út Hiền còn tích cực phối hợp cùng địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến những mô hình kinh tế có hiệu quả đến bà con đồng bào dân tộc một cách sâu rộng. Nhờ đó, họ dễ dàng tiếp cận vấn đề và áp dụng vào thực tiễn. Đời sống, kinh tế phát triển, trình độ dân trí nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, kéo giảm các trường hợp vi phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cái Tắc, nói: “Sư Hiền luôn phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ các hoạt động cùng với địa phương để công việc thực hiện hiệu quả hơn. Nhờ đó, mà bà con đồng bào dân tộc Khmer có đời sống khởi sắc và nâng cao nhận thức”.

Sự nhiệt tình, tâm huyết của đại đức Lâm Út Hiền sẽ là nơi nuôi dưỡng nhiều tâm hồn trong sáng, ươm mầm tri thức, để những tương lai đất nước được vun bồi. Chính suy nghĩ đó khiến đại đức Lâm Út Hiền càng cố gắng vượt qua khó khăn để giúp các em thoát khỏi việc nhiễm phải những thói hư, tật xấu, nâng cao ý thức hoàn thiện bản thân. Nhiều gia đình giờ đây cũng không còn nặng nỗi lo, khi con em mình được định hướng cụ thể, phù hợp và chuyển biến nhận thức tốt. Đối với đại đức Lâm Út Hiền, học là để trau dồi và nâng cao kiến thức, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Cho nên đại đức đang từng ngày bước tiếp trên hành trình nối dài sự học cho những tiềm năng tương lai.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>