Ông Sáu Đắc của người nghèo

17/06/2019 | 08:44 GMT+7

Đều đặn gần 15 năm nay, mỗi năm cứ 3 tấn gạo gửi tặng cho người nghèo trong xã. Rồi thấy ai hoàn cảnh khốn đốn, ông cùng các bạn hữu của mình giúp đỡ, chia sẻ... cứ vậy, cái tên ông Sáu Đắc của người nghèo ra đời.

Sau thời gian làm từ thiện, ông Sáu Đắc lại chăm chút cho công việc gia đình.

Ông giới thiệu tôi tên “cúng cơm” đầy đủ của mình là Bùi Văn Đắc, 65 tuổi, ở ấp Đông An A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, nhưng quanh xã này và những xã lân cận, mọi người thường gọi ông là Sáu Đắc từ thiện. Người đàn ông dáng gầy, nhưng nhanh nhẹn, cứ nói đến chuyện từ thiện là môi luôn mỉm cười. “Chắc nhờ mình làm từ thiện nhiều nên ông trời cho khỏe, đi suốt mà chân mạnh, tay khỏe, khiêng gạo giúp bà con còn mạnh lắm à…”, ông Sáu Đắc vừa cười, vừa nói.

Mỗi năm tặng từ thiện mấy tấn gạo, cuộc sống gia đình khá giả, nhưng ông rất giản dị và tiết kiệm, gần gũi và thân tình với lối xóm xung quanh. “Nói thì nghe như màu mè, nhưng thật sự đi trao quà tận tay những người cần, những người khốn khó, mình thấy nhẹ lòng, thấy thoải mái đầu óc lắm, cuộc sống vì vậy cũng vui hơn”, ông Sáu Đắc bày tỏ.

Gần 15 năm nay, ngôi nhà của ông ở ấp Đông An A trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi dịp 15-7 âm lịch hàng năm của người nghèo đến để nhận gạo hỗ trợ. Ông cũng chia sẻ, số gạo hàng năm là do người chị và cháu ông ở nước ngoài gửi tiền hỗ trợ, còn ông đứng ra mua gạo, lên danh sách, trao tận tay người nghèo ở xã Đại Thành và một số hộ ở các xã lân cận trên địa bàn thị xã. Chị em ông nói với nhau rằng, đó là chút tấm lòng với bà con, hàng xóm còn khó khăn. Không bao giờ chị em ông dùng từ bố thí, mà chỉ nói đó là sự chia sẻ với mọi người, coi như lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Chuyện thiện nguyện của ông và gia đình không chỉ dừng ở đó. Từ giữa năm 2017, ông cùng những người bạn quanh ấp thành lập Câu lạc bộ  (CLB) tình nguyện làm công tác nhân đạo ấp Đông An A. Điều đặc biệt là 30 thành viên CLB có nhiều người làm vườn, thợ hồ, chứ không phải ai cũng khá giả. Mỗi tháng mỗi người đóng góp 50.000 đồng, riêng gia đình ông Sáu Đắc tham gia 4 người, mỗi tháng góp 200.000 đồng số tiền này dùng để thăm hỏi việc ốm đau các thành viên của CLB. Tuy nhiên, nếu phát hiện quanh ấp hoặc những ấp lân cận như Cái Côn, Đông An hoặc xa hơn, có hoàn cảnh nào đặc biệt, cần được giúp đỡ là ông bàn với nhóm thường trực của CLB mang tiền đến giúp đỡ, mỗi lần thăm hỏi là 1 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Út, ở ấp Đông An A, có con gái là chị Ngọc Hà mới đây phải lên sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (chị Hà bị bệnh liệt hai chân từ nhỏ, nên phải lên tuyến trên sinh con, vì bệnh viện tuyến dưới không đảm bảo chữa trị), chính ông Đắc đại diện CLB hỗ trợ một số tiền cho chị. “Lời nào trân trọng bằng lời cám ơn dành cho chú Đắc và các thành viên CLB. Sự giúp đỡ đó thật sự rất cần thiết và ngay lúc gia đình tôi rất cần, nhờ đó mà con gái tôi có tiền để sinh trên đó…”, ông Út nói.

Mỗi năm tầm 20 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các thành viên được sử dụng vào những việc làm ý nghĩa và nhân văn như vậy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, mình giúp mọi người lúc họ cần nên ai cũng trân quý lắm”, ông Sáu Đắc đúc kết.

Với ông, làm từ thiện không phải là niềm vui, mà đó là sự giúp đời thật cần thiết, nên làm khi điều kiện của mình cho phép. Ông giúp mọi người bằng tình, bằng nghĩa, bằng sự thơm thảo đậm tình người.

Tại ấp biết có bà Trần Thị Kim Loan, gần 70 tuổi, không nơi nương tựa, sống neo đơn một mình, mới mổ đường ruột phải đặt ống ra ngoài. Thấy không thể để bà sống một mình không ai chăm sóc, ông Sáu đã cố gắng liên hệ Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn thành phố Cần Thơ, xin ý kiến xác nhận của UBND xã để tìm mọi cách đưa bà Loan vào sinh sống tại trung tâm. Tuy rất khó, vì bà Loan không có hộ khẩu tại địa bàn thành phố Cần Thơ, nhưng bằng sự cố gắng, nhất là tấm lòng vì mọi người của ông Đắc, với biết bao chuyến đi lên đi xuống, tự làm thủ tục, trung tâm đã nhận bà Loan vào chăm sóc tại đây. Theo lời ông Đắc, đến nay bà Loan được chăm sóc y tế rất tốt, sống vui, sống khỏe…

Hễ gặp những hoàn cảnh nào thuộc diện được nhà nước hỗ trợ nhưng chưa được kịp thời, như người khuyết tật, ông sẵn sàng chở họ đến xã, thị xã để xin ý kiến và hỏi cặn kẽ thủ tục để làm giúp họ được nhận trợ cấp hàng tháng. Bản thân ông cũng giúp đỡ 3 trường hợp như vậy. Nhiều bằng khen của UBND tỉnh và thị xã mà ông được nhận là sự ghi nhận công lao vì cộng đồng của ông và gia đình.

Cuộc sống ông Đắc giờ gắn bó với công việc thiện nguyện, mỗi chuyến đi là mỗi hành trình yêu thương, mỗi một người được giúp đỡ đã giúp cuộc sống thêm nụ cười và xã hội có thêm gương sống đẹp như ông Sáu Đắc.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>