Ông bà Mạnh - Khỏe, làm chuyện hổng giống ai !

11/11/2019 | 08:22 GMT+7

Câu chuyện về bà Mai Thị Mạnh, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, hàng ngày đi thu lượm vỏ dừa khắp các quán ăn, tiệm tạp hóa quanh trung tâm thị xã Ngã Bảy, khiến ai thấy cũng nói bà làm chuyện không giống ai. Nhưng việc bà làm đã giúp đỡ cho rất nhiều người.

Ông bà Mạnh - Khỏe đồng lòng làm việc “hổng giống ai”, để giúp được nhiều người.

Gần bến sông Ngã Bảy đoạn qua khu vực 2 (trên đường đi đến Trung tâm Y tế Ngã Bảy), chất ngay ngắn những vỏ dừa, xơ dừa, cùi dừa ngăn nắp. Hỏi ra mới biết đây là “công trình” của hai vợ chồng ông Khỏe, bà Mạnh. Bữa gặp bà gần chạng vạng, người phụ nữ tóc bạc nhiều cặm cụi đi gom vỏ dừa ở mấy tiệm gần nhà, đem về cho chồng chẻ phơi khô. Bà Mạnh là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực, ngoài việc tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình, tham gia bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh trong hội viên phụ nữ, thu quỹ tiết kiệm trong hội viên phụ nữ, công việc quen thuộc hàng ngày của bà Mạnh là đi nhặt vỏ dừa, quầy dừa khô… ở các quán nước, xe dừa tươi, quanh phường Ngã Bảy, phường Lái Hiếu.

Nhà có 4 người con, đều có công ăn việc làm ổn định, tiền sinh hoạt hầu như không có gì để lo, cuộc sống ông bà có thể xem là khá khẩm. Bởi vậy, thấy bà đi nhặt vỏ dừa, nhiều người nói: “Thôi, bà lấy làm gì, lượm chi cho mệt trời ơi”, thậm chí có người còn nói nặng lời: “Làm cái chuyện hổng giống ai”.

Bà Mạnh chia sẻ, bà không buồn khi nghe những lời đó. Bà tự nhận xét đúng là chuyện bà làm không giống ai, vì đâu có ai rảnh mà đi lượm lặt rác về nhà, rồi bửa ra sắp xếp cho ngay ngắn, phơi khô. Dù không giống ai nhưng việc này giúp được cho nhiều người, đặc biệt là môi trường. Trong khi nhiều người dùng dừa tươi xong, quăng quanh nhà, khiến nước đọng vào sinh ra muỗi, khiến sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, thì việc của bà Mạnh đã góp phần phòng, chống dịch bệnh. Bà xin vỏ dừa về phơi khô, là để gửi cho Tổ cơm cháo nước sôi từ thiện tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy.

“Bao trấu chụm giờ mua đâu hơn hai chục ngàn đồng rồi đó, mỗi ngày các cô chú, anh chị em trong tổ đi xin đồ về nấu đã mệt lắm rồi, còn phải lo kiếm củi chụm nữa, mà củi đâu có kiếm được hoài, nếu mua thì kinh phí rất khó, nên tôi mới cố gắng đi nhặt, đi xin vỏ dừa để cho tổ sử dụng”, bà Mạnh bộc bạch.

Nhìn người phụ nữ ngoài 60 tuổi, mồ hôi nhễ nhại, cặm cụi vét nhặt từng cái vỏ dừa một cách hết sức tận tâm, nhiệt tình, lại thấy nể phục. Đống vỏ dừa của bà giờ rất nhiều, chở được mấy xe tải nhỏ.

Chồng của bà Mạnh là ông Mai Văn Khỏe, năm nay đã 73 tuổi, sống với nhau mấy mươi năm, trải qua biết bao nhiêu là cơ cực, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, nên ông bà hiểu nhau lắm. Khi nói về công việc của bà, ông Khỏe nhìn vợ, kể: “Trời ơi, đi ngoài đường, bả mà thấy ở đâu có kính bể, bóng đèn hư mà người ta bỏ gần thùng rác là bả lượm về. Bả nói lượm về đặng bỏ cho chỗ nào tập trung, để thôi mấy người lượm rác họ lượm bị đứt tay chưn bị giựt kinh phong chết. Hàng ngày, bả đi gom tiền hùn vốn, tiền vay phụ nữ xong là đi nhặt vỏ dừa, nhiều lúc tới chiều về là nằm chài bài ra đó, ăn cơm không nổi, than mệt. Tui phải bóp tay chưn cho bả đỡ mệt. Vậy chứ bữa sau cũng đi mần nữa hà, không có bỏ ngày nào, trừ khi mưa gió bão bùng quá trời bả mới không đi thôi”.

Nhìn ánh mắt ông nhìn bà, mới biết ông vì thương bà mới nói vậy, chứ thật ra ông rất ủng hộ bà làm việc này. Mỗi ngày, bà mang bao nhiêu là ông bửa vỏ dừa phơi. Khi đã khô, bà nhờ Tổ cơm cháo nước sôi xuống chở. Số lượng vỏ dừa được mấy xe tải. Ông nói là do duyên nợ, ông tên Khỏe, bà tên Mạnh, tên ghép lại ngược xuôi gì cũng thấy… khỏe mạnh, nên gắng mà làm việc ý nghĩa giúp cuộc đời này.

Ông bà lấy nhau từ những năm chiến tranh ác liệt, bà khi đó là con gái quê, quanh năm chỉ quanh quẩn làm vườn, làm ruộng cùng cha mẹ, còn ông làm nghề biển. Cô gái Cần Thơ và chàng trai Sóc Trăng quen nhau do mai mối, lấy nhau xong, cuộc sống cơ khổ, nên dắt díu nhau lúc đi Sài Gòn, khi về quê, lúc đến miệt thứ Kiên Giang, rồi qua rừng đước Cà Mau để làm mướn, xin củi ngọn về bán. Cuộc sống khi xưa quá nghèo, có đứa con bị bệnh mà vì phải đi làm vần công với hàng xóm về không kịp chở con đi bệnh viện nên con bà qua đời… Kể tới đây, mắt bà rơm rớm. “Cuộc sống cơ cực, khổ ải đã trải qua quá nhiều rồi, nên giờ đỡ lên mình ráng làm những việc giúp đời. Hồi đó, lúc tôi còn nghèo chỉ chăm chút gia đình thôi, đến con cái ổn định, cuộc sống đỡ lên chút, tôi mới tham gia công tác tại địa phương”, bà Mạnh cho biết.

Anh Đoàn Văn Cường, cảnh sát khu vực 2 (Công an phường Lái Hiếu), người rất trân trọng những việc làm của bà Mạnh - ông Khỏe, bày tỏ: “Việc làm này thật sự có nhiều ý nghĩa. Mọi người đừng nghĩ đó là việc nhỏ, không giống ai, thật sự với tôi đó là việc lớn, việc không phải ai cũng làm được như vợ chồng ông bà. Bản thân tôi rất trân trọng, biết ơn công việc này của hai ông bà. Có được thêm nhiều người như bà Mạnh, ông Khỏe, cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>