Nhiều lần nhặt được của rơi trả lại người mất

14/05/2018 | 09:42 GMT+7

Chúng tôi đã được giới thiệu về trường hợp của vợ chồng ông Lê Văn Vững và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, như vậy.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình bà Tuyết luôn bảo ban nhau phải nghèo cho sạch, rách cho thơm.

Men theo con đường nhỏ, băng qua vài cánh đồng lúa mới thu hoạch còn thơm mùi rạ, chúng tôi tìm đến nhà bà Tuyết vào một buổi chiều mưa. Người phụ nữ với dáng người mảnh khảnh, chân thành và nhiệt tình. Bà Tuyết là người đã nhặt được của rơi với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng và trao trả cho người bị mất vào tháng 4 vừa qua. Bà Tuyết kể lại, khi trên đường đi công việc, bà tình cờ nhặt được chiếc bóp bị đánh rơi cách nhà độ chừng 2km. Bà không dám mở ra xem trong đó có gì, nên đến gia đình bên nhà chồng (cách khoảng 500m) để nhờ điện báo cho Công an xã. Được sự chứng kiến của nhiều người, chiếc bóp mở ra phát hiện bên trong là 2 dây chuyền, 1 lắc tay, cặp nhẫn và 2 vòng đeo tay, giấy tờ tùy thân cùng tiền mặt gần 6 triệu đồng. Cũng chính nhờ hành động đẹp của bà Tuyết mà người bị mất được bàn giao lại toàn bộ tài sản trong sự vui mừng. Chị Trần Thị Thơi, người bị mất tài sản, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, chia sẻ: “Nhờ cô Tuyết tôi mới tìm lại được tài sản nên mừng lắm. Những việc làm ý nghĩa như cô Tuyết cần được duy trì và phát triển”.

Còn ông Lê Văn Vững, chồng bà Tuyết, khoảng 2 năm trước cũng đã từng nhặt và trả lại tài sản với số tiền khoảng 80 triệu đồng cho người trong ấp. Nói về lý do trả lại của rơi cho người khác, bà Tuyết bộc bạch: “Nghèo tiền, nghèo bạc chứ tôi không nghèo nhân nghĩa. Ở đời mình nên tích đức làm nhiều việc thiện, lỡ người ta đang cần số tiền đó cứu mạng mà mình lấy đi thì chẳng phải là đã hại người. Đồng tiền mình có thể làm ra bằng chính đôi tay và sức lao động của mình, nên vợ chồng tôi nói với nhau không có tham”. Gia đình bà Tuyết thuộc diện hộ nghèo của xã. Căn nhà lá ọp ẹp, rộng chừng 50m2, nằm choi loi giữa những cánh đồng lúa, có một bộ ngựa nhỏ và mấy cái ghế cho khách ngồi nhưng đó là nơi trú ngụ của 4 thành viên. Bà có hai con gái đang đi học (con lớn sắp tốt nghiệp THPT, con nhỏ đang học lớp 10). Mỗi lần mùa mưa đến, ông bà lại thom thóp lo sợ cảnh mưa tạt, gió lùa. Hiện tại, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều nhờ vào tiền làm hồ thuê của ông Vững ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày được hơn 200.000 đồng. Còn bà Tuyết hơn nửa năm qua phải ở nhà để chăm sóc cho mẹ già bị tai biến (mẹ bà vừa mới mất khoảng 2 tuần).

Việc nhặt của rơi trả lại cho người là một việc làm tốt đẹp và điều này lại càng ý nghĩa hơn đối với gia đình ông Vững, bà Tuyết. Tuy sống giữa khổ cực nhưng không làm nhân nghĩa con người bị chai sạn, đang từng ngày rèn giũa những viên ngọc thô trở nên sáng đẹp. Giữa cuộc sống còn bộn bề lo toan, vất vả nhưng đâu đó vẫn len lỏi nhiều người từng ngày góp nhặt những cánh hoa tươi thắm làm đẹp thêm đời. Xã hội hiện nay, đạo đức con người đang ngày càng bị tha hóa khi sống với nhau bằng đồng tiền, vật chất, thậm chí vì tiền mà làm nên những việc vượt giới hạn cho phép, trái đạo đức. Những người như ông Vững, bà Tuyết sẽ là nguồn sáng tiếp thêm niềm tin và động lực để nhiều người thêm tin vào cuộc sống.

Chia tay gia đình bà Tuyết khi cơn mưa tháng 5 ngoài trời còn đang nặng hạt, chiếc cầu khỉ trước nhà rung lên, đung đưa khi có người bước qua, bầu trời xám xịt một màu đen của ngày mưa nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy vẫn ánh lên ánh sáng - ánh sáng của tình người, của tấm lòng nhân hậu, nhân ái…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>