Người nghèo đi giúp người khổ !

29/07/2019 | 04:59 GMT+7

Gặp chị Kiều vào chiều tối muộn một ngày cuối tháng 7, khi chị vừa đi làm phụ hồ từ thành phố Cần Thơ về nhà. Trong căn nhà tình thương nhỏ của người phụ nữ nghèo chăm đi từ thiện này, lúc nào cũng vui vẻ, đầy ắp tiếng cười.

Chị Kiều trong một chuyến đi thiện nguyện, gom góp tiền tặng gia đình khốn khó.

Làm phụ hồ kiếm tiền đi từ thiện

Căn nhà tình thương bên ven đường ấp Nhơn Thuận 1B, đã cất nhiều năm nay, không có nhiều vật dụng quý giá. Căn nhà đơn sơ là nơi sinh sống của vợ chồng chị Phạm Kim Kiều, ở ấp Nhơn Thuận 1B, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và 2 đứa con.

Anh Nguyễn Văn Thường, chồng chị Kiều, khi nói về công việc từ thiện của vợ, kể câu chuyện vui: “Bữa đó, vợ tôi đi làm hồ về, sau khi mua gạo mắm muối còn đâu được 50.000 đồng. Rồi có mấy chú ở Hội Chữ thập đỏ xã điện đi từ thiện, vợ tôi hỏi: “Anh còn 50.000 không?, cho em để phong bì tặng từ thiện. Em có 50, anh 50, được 100, còn xe quá giang các anh, các chú. Thôi kệ anh ạ, mai em đi mần hồ, anh đi làm cỏ mướn, có tiền tiếp mà”.

Thấy tâm tính vợ tốt, anh Thường không cấm đoán hay hằn học chuyện vợ đi làm từ thiện mà ủng hộ hết lòng. Dù rằng mỗi tháng, anh Thường làm được khoảng 10 ngày. Công việc chính của anh là bao trái cây, sên sình, làm cỏ vườn cây ăn trái… mỗi ngày tầm 200.000 đồng, nhưng biết vợ thích việc từ thiện, nên anh rất ủng hộ.

Nói về công việc của mình, chị chia sẻ chuyện gì mình cũng làm, trộn hồ, khuân vác, rinh cát đá, xi măng. “Mọi người hay chọc tôi, nhìn phụ nữ nhưng cốt đàn ông, thích làm việc nặng. Ở đời này, ai đâu thích làm việc nặng nề, nhất là phụ nữ, nhưng công việc vậy mình phải làm chứ biết sao giờ. Có việc đều đều lo cho gia đình là mừng lắm rồi”, chị Kiều bày tỏ.

Công việc phụ hồ bận rộn, nhưng hễ tới chương trình Cảm thông và chia sẻ, hiến máu, là chị đi theo. Mẹ chị Kiều, bà Lê Thị Nga ở nhà kế bên, nói: “Tôi có 8 người con, Kiều là út gái, nhà chắc nghèo nhất, nhưng tấm lòng từ thiện tốt lắm. Tôi ban đầu không ủng hộ, vì chuyện nhà mình chưa xong mà còn lo cho ai bây giờ. Có lúc tôi khóc khi đi chợ nghe người ta nói nó đi vận động lấy tiền ăn, chứ nghèo muốn chết mà còn đi vận động cho ai. Nhưng thấy vợ chồng tụi nó an ủi nhau, đi làm từ thiện về mà yên ổn, vui vẻ, thanh thản, dù nghèo mà vợ chồng đồng lòng, yêu thương vậy, nên giờ khuyến khích, động viên cho con nó”.

Nói về chuyện bị nghi ngờ đút túi riêng khi vận động tiền từ thiện, chị Kiều chia sẻ: “Tôi đi xin của ai, bao nhiêu đều ghi giấy rõ ràng, báo cáo lên Hội Chữ thập đỏ xã. Mình làm công khai, minh bạch, khách quan, không bòn rút, chặn bớt thì không có gì mà ngại, mình giúp được người khác là mừng. Ai không hiểu từ từ họ sẽ hiểu”.

“Mình rách ít, đùm bọc người rách nhiều hơn mình…”

Nhớ cách đây không lâu, khi đến ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, để trao tiền chị vận động được cho bà Trần Thị Rạng, 74 tuổi, nuôi hai đứa cháu mồ côi. Mới đến nơi gặp mặt, chị đã ứa nước mắt trước cảnh đời của bà Rạng. “Nhà tôi nghèo, mẹ tôi gần 70 tuổi, nhưng có con cái ở bên chăm sóc, còn bác Rạng đã già lại nuôi hai đứa cháu nội, thiệt thấy cảnh còn khổ hơn mình nhiều. Dù ngó lên, ngó xuống mình chưa bằng ai, nhưng nhiều khi vật chất đâu là điều quan trọng nhất đâu. Tôi thấy, ít ra mình may mắn hơn nhiều người”, chị Kiều bộc bạch.

Anh Thường, chồng chị Kiều tâm sự rằng, vợ hay nói với anh, mình còn chân, còn tay, còn khỏe mạnh, trời cho vậy là đã quá may mắn rồi. Ông Trần Văn Ba, ở ấp Nhơn Phú A, xã Nhơn Nghĩa A, cả chục năm nay đi khắp nơi làm từ thiện nhiều lần cùng với chị Kiều. Ông xem chị như một người cháu, một bạn hữu có chung lòng thiện: “Tôi năm nay 72 tuổi, hơn 10 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện, các chương trình như Cảm thông và chia sẻ. Cũng ngần ấy thời gian biết cháu Kiều, nhiệt tình lắm, anh chị em trong nhóm quý Kiều ở tấm lòng, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, phải nói là nghèo, nhưng tấm lòng trọng nhân nghĩa ở đời khó có ai được vậy lắm”.

Chị còn là người năng nổ trong công tác hiến máu nhân đạo. Hễ có chương trình hiến máu là chị được Hội Chữ thập đỏ xã nhờ đi vận động bà con xung quanh. Chị đã nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng với thành tích hiến máu nhân đạo không dưới 40 lần. Ngày xưa, chị có vài năm đi làm cộng tác viên dân số, rong ruổi tuyên truyền khắp các ấp trong xã. Rồi vì cơm áo gạo tiền, lo cho gia đình, nên chị đành dừng việc làm cộng tác viên dân số khi đã kiếm được người thay thế mình làm công việc này.

Ông Tô Thái Trung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ, ở xã có Câu lạc bộ làm từ thiện, nhân đạo có nhiều người dân tham gia, nhưng trong đó đặc biệt nhất có lẽ là chị Kiều. Chị có tấm lòng thiện nguyện, hay giúp người hiếm thấy. Dù hoàn cảnh nghèo khó, nhưng chị sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng của mình. Ở xã có phương án đưa vào danh sách hỗ trợ thoát nghèo để giúp gia đình chị Kiều.

Dù có những điều tiếng về việc nghèo mà đi làm từ thiện, nhưng chị chia sẻ: “Chịu ít điều tiếng dù mình không có, nhưng làm được việc tốt cho đời cũng xứng đáng”, chị Kiều cười hiền nói.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>