Mạnh thường quân của người nghèo

05/10/2020 | 09:59 GMT+7

Là cách gọi thân thương của mọi người dành cho bà Nguyễn Thị Khanh, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Từ sự giúp đỡ kịp thời của bà, nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn có được mái ấm, được tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Bà Khanh (bìa trái) chuẩn bị cơm để phát cho người lao động nghèo tại địa phương.

Giúp người dân an cư

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Một Ngàn, chia sẻ: “Nhiều năm qua, cô Khanh đã đóng góp lớn cho công tác an sinh xã hội trong và ngoài địa phương. Nhờ cô vận động hỗ trợ, đời sống một bộ phận hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống. Bên cạnh vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tổ cơm chay từ thiện của cô được mở đã giúp cho nhiều bà con trên địa bàn phần nào vơi bớt khó khăn”.

Từ đầu năm đến nay, riêng tại thị trấn Một Ngàn, bà Khanh đã vận động hỗ trợ cất được 9 căn nhà tình thương. Trong các dịp lễ, tết bà còn vận động tặng quà cho hộ nghèo, học sinh khó khăn.

Bà Trần Thị Điều, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, được bà Khanh vận động cất mới hơn 3 tháng nay, bộc bạch: “Trước đó, căn nhà lá của gia đình do cất lâu đã sắp sập, thấy vậy đứa em cho mượn tiền để sửa lại. Sửa không được bao lâu, tiền thiếu còn chưa trả hết, nhà lại dột nát. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn quá, cô Khanh mới vận động hỗ trợ gia đình cất nhà mới. Mừng lắm, giờ có nhà mới khang trang, cả nhà không còn chen chúc dưới tấm cao su che tạm nữa”. Gia đình không ruộng đất, sống chủ yếu dựa vào công việc làm thuê, làm mướn của chồng và mớ rau đồng mỗi ngày của bà Điều nên ước mơ cất lại căn nhà mới là chuyện xa vời. Không chỉ vận động cất lại nhà với mái và vách lợp tôn, bà Khanh còn vận động mạnh thường quân cuốn nền và lót gạch để căn nhà của bà Điều thêm khang trang hơn.

Với những gia đình gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn, bà Khanh thường đến tận nơi để khảo sát thực tế, qua đó bà sẽ đứng ra vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Tính từ đầu năm đến nay bà đã vận động cất mới được 97 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ khó khăn trong và ngoài địa phương. Trung bình, mỗi căn trị giá khoảng 25 triệu đồng… Ngoài vận động hỗ trợ cất nhà bằng tôn, bà Khanh còn vận động cất nhà cây cho nhiều gia đình.

Tận tình sẻ chia khi còn sức khỏe

Hơn 15 năm gắn bó với công tác nhân đạo từ thiện, bà Khanh không chỉ vận động hỗ trợ cất nhà tình thương, mỗi dịp lễ, tết bà còn vận động hàng trăm phần quà để tặng cho hộ nghèo. Với tấm lòng hướng đến những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bà thường xuyên tham gia hỗ trợ những cảnh đời được thực hiện chương trình truyền hình nhân đạo Cảm thông và chia sẻ, Khát vọng sống… Mới đây nhất, trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thấy nhiều công nhân, người lao động nghèo thất nghiệp, bà Khanh chủ động mở tổ cơm từ thiện phát cơm miễn phí. Tổ này có 15 thành viên tham gia, định kỳ vào ngày 14, 15 và 29, 30 âm lịch mỗi tháng, sẽ cho cơm chay, bún chay miễn phí. Mỗi ngày từ 7-9 giờ sáng, tổ bắt đầu cho cơm tại chợ Một Ngàn và mang đến tận nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc đi lại, trung bình mỗi lần cho từ 150-350 phần.

Khi được hỏi cơ duyên nào đã gắn kết bà với công tác từ thiện nhân đạo, đến nay bà Khanh tâm sự: “Trước đây, khi chồng tôi còn sống, ông cũng là người gắn bó với công tác chữ thập đỏ, thường xuyên đi vận động chăm lo cho các đối tượng yếu thế. Thấy việc làm của chồng ý nghĩa, tôi xin đi theo tham gia hỗ trợ các cảnh đời. Dần dần thấy nhiều hộ khổ quá, nhà cửa rách nát nhưng không có điều kiện sửa chữa hay xây dựng mới, tôi bắt đầu có ý định đi vận động để về giúp đỡ bà con, cứ thế tôi gắn bó việc thiện nguyện đến nay. Giờ còn sức khỏe mình cố gắng giúp đỡ bà con, được phần nào hay phần ấy”.

Lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, nhiều đời gắn bó với công tác từ thiện. Có lẽ đó là động lực để bà Khanh gắn bó và sẻ chia nhiều hơn với người nghèo khó.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành A, cho biết: “Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng cô Khanh luôn năng nổ tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện trong và ngoài địa bàn. Với tinh thần không ngại khó, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô còn tham gia vào tổ hậu cần phục vụ cho những người đang thực hiện cách ly. Hàng ngày, cô đều hỗ trợ mang cơm đến tại khu đang thực hiện cách ly của huyện trong suốt hơn 2 tháng. Rất mong cô sẽ tiếp tục làm cầu nối để người dân nghèo có thêm nhiều mái ấm lành lặn, thêm các hoạt động đỡ đần cho người nghèo”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>