Làm từ thiện là “nghề”

29/10/2018 | 08:20 GMT+7

Đó là lời mà ông Trần Văn Út, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ khi nói về việc làm từ thiện của mình.

Ông Út chở tôn hỗ trợ bà Ảnh lợp nhà.

Tờ mờ sáng, ông Út đã có mặt tại bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ phụ giúp các thành viên nấu khoảng 200 phần cơm, hơn 100 phần cháo, nước sôi cho bệnh nhân, người dân hay học sinh nghèo hàng ngày. Ông Út bộc bạch: “Tôi bắt đầu nấu cơm, cháo từ thiện từ năm 1996, khi giúp được người nghèo trong lòng thấy vui và có thêm động lực để tiếp tục. Hơn 20 năm gắn bó với công việc thiện nguyện nên tôi xem nó như một cái “nghề” ăn sâu trong máu thịt không thể dứt được”.

Bếp ăn được thành lập từ năm 2016 do ông Út vận động các mạnh thường quân tài trợ kinh phí khoảng 160 triệu đồng. Hiện có 7 nhóm, luân phiên nhau nấu cơm, cháo mỗi tuần từ thứ hai đến chủ nhật, kinh phí hoạt động khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ông Út cho hay đang tích cực vận động thành lập thêm tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vị Thanh, dự kiến đưa vào hoạt động trung tuần tháng 11 tới. Bà Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Chú Út luôn nhiệt tình, hòa nhã với mọi người, hễ người nghèo cần giúp đỡ là đến ngay, nên chúng tôi ai cũng quý. Tôi nghĩ nhờ có những người như chú Út mà làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Vừa xong việc bếp ăn, ông Út lại không cho mình thời gian nghỉ ngơi, tranh thủ kêu xe chở tôn đến hộ dân để lợp xong nhà giữa buổi trưa nắng gắt. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trong ánh mắt của người đàn ông ngoài 60 tuổi này vẫn ánh lên một niềm tin, hy vọng bởi cuộc sống còn nhiều người cần giúp đỡ. Mới bước vào nhà bà Phạm Thị Ảnh, ở ấp 11, xã Vĩnh Viễn, đã nghe tiếng gọi nhau í ới của bà con quanh xóm “Ông Út đến, ông Út đến”, rồi cùng nói chuyện rôm rả. Người xin cái nhà, người xin bao xi măng hay vài ký gạo,… Ông Út đều ghi nhận và hứa sẽ hỗ trợ bà con trong thời gian sớm nhất. Ngồi cạnh cửa nước mắt rưng rưng, bà Ảnh nói: “Nhờ chú Út mà tôi mới có được căn nhà lành lặn không sợ mưa gió. Tôi mang ơn chú lắm, bởi cuộc đời tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có được căn nhà như vầy”.

Trung bình mỗi năm, ông Út sẽ hỗ trợ 15 căn nhà cho người dân nghèo có nhu cầu về nhà ở, không phân biệt trong và ngoài huyện, giá trị từ 12 đến 25 triệu đồng/căn. Trước khi hỗ trợ, ông sẽ tiến hành khảo sát thực trạng nhà ở, tiếp đến cần chính quyền địa phương xác nhận, giúp trao đúng người, đúng nhu cầu. Ngoài ra, ông Út còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ quan tài cho người nghèo khi vắn số. Ông thường để sẵn cả chục quan tài tại nhà khi có người cần là tức tốc chở đi cho kịp. Dù lớn tuổi nhưng chạy xe khá tài tình nên vài năm trở lại đây ông Út đã mua, nhờ mạnh thường quân và địa phương hỗ trợ được 3 chiếc xe chở người bệnh, bị tai nạn hoàn toàn miễn phí. Bất kể ngày hay đêm, nắng, mưa hễ có chuyện cấp bách xảy ra là ông cùng tài xế gần nhà lại rong ruổi trên các tuyến đường giành giật sự sống cho nhiều người.

Một ngày làm “nghề” từ thiện của ông Út kết thúc dù vất vả nhưng nhen nhúm lên niềm hy vọng cho nhiều mảnh đời cơ cực có thêm động lực, tự tin hơn trong cuộc sống. Với ông, giúp người, giúp đời là không kể thời gian, còn khỏe và cống hiến được thì cứ làm. Những nơi bước chân ông đi qua đã có người khởi sắc về cuộc sống, nhiều suất cơm nghĩa tình trao tay,… Nhưng ông vẫn trăn trở lắm mỗi khi hết gạo nấu cơm, hết xăng chở bệnh,… Bản thân ông cần lắm sự chung tay từ các mạnh thường quân, để những tấm lòng thiện nguyện lan tỏa đến nhiều mảnh đời khó khăn. Với ông Út, giúp người là giúp chính bản thân mình để cuộc sống càng thêm ý nghĩa và trọn vẹn.

  Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>