Đáp nghĩa quê hương

30/07/2018 | 07:55 GMT+7

Ông Trương Cảnh Chu, hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nhiều việc thiện, để đền ơn đáp nghĩa quê hương.

Ông Tư Chu bên cầu Lung Nia đã được ông tài trợ xây dựng.

Có dịp đi ngang ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chúng tôi nghe mọi người nhắc nhiều đến chú Tư Chu. Hỏi ra mới biết, ông Tư Chu là người tài trợ xây dựng cầu Lung Nia trên địa bàn. Trước đây, việc qua lại của người dân chủ yếu bằng ghe xuồng, đò ngang, gây ra không ít khó khăn, vì đây là tuyến giao thông nối liền xã Vị Tân và xã Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang)… Rồi khi cây cầu được xây dựng, vừa tạo điều kiện cho người dân trong việc đi lại, phát triển kinh tế, vừa góp phần nâng chất tiêu chí của xã nông thôn mới Vị Tân. Ông Ba Tuấn, ở ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Khi chưa xây dựng cầu, nhà tôi đưa đò, mỗi ngày cũng trên 100.000 đồng. Từ khi cầu xây dựng xong, dẫu mất đi một phần thu nhập, nhưng ai nấy mừng lắm. Có cầu thuận lợi biết bao nhiêu, buổi tối nếu ai chẳng may ốm đau, bệnh hoạn, đường đi cũng dễ dàng, không phải lụy đò. Rồi mấy cháu học sinh, đi học cũng thuận tiện hơn rất nhiều”.

Cầu Lung Nia có chiều dài 22m, ngang 3m, được xây dựng bằng bê tông, tổng kinh phí đầu tư trên 250 triệu đồng do ông Tư Chu tài trợ. Ông Tư Chu chia sẻ: “Ngày trước cuộc sống khó khăn, giờ đây, kinh tế gia đình cũng ổn, con cái có việc làm thu nhập ổn định. Tôi dành dụm tiền, để làm việc gì đó, có thể giúp ích cho quê hương”.

Ông Tu Chu sinh ra ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, khi được mười mấy tuổi, ông qua Vị Thanh làm công. Những năm đó, ông chi xài tiết kiệm, dành dụm được số vốn, rồi vay mượn thêm để mở vựa bán phân bón. Đến năm 1978, ông đi Thành phố Hồ Chí Minh để làm ăn. Những năm đầu ở Sài Gòn đất chật người đông, được người quen hướng dẫn ông làm đường kết tinh bán. Thu nhập từ công việc này khá, cuộc sống ổn định hơn. Sau mười mấy năm, nghề làm đường kết tinh bão hòa, ông chuyển sang bán tạp hóa đến ngày hôm nay.

Khi cuộc sống ổn định, nhớ về những tháng ngày vất vả trong quá khứ, ông Tư Chu nghĩ rằng mình phải làm việc gì đó để đáp nghĩa quê hương. Với suy nghĩ ấy, ông đã đóng góp tiền của để xây dựng cầu giao thông nông thôn và sửa chữa lộ giao thông nông thôn ở tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, ông còn đóng góp tiền của để thực hiện những công trình phúc lợi xã hội ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao. Cũng có nhiều người hỏi ông, sao sinh ra ở Vĩnh Hòa Hưng Nam, nhưng ông lại làm nhiều việc thiện ở Hậu Giang. Ông Tư Chu chia sẻ rằng, đất Hậu Giang tuy không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng nơi đó là nơi ông bắt đầu lập nghiệp, nên coi đó như quê hương của mình. Ông đã sống ở Hậu Giang hơn 20 năm. Vì vậy, dù đi đâu, làm gì, ông vẫn luôn đau đáu nhớ về mảnh đất này và mong muốn làm một việc gì đó có nghĩa với nơi đây.

Cũng nhờ sự đóng góp của bản thân ông, cầu giao thông nông thôn ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh, đã được xây dựng. Cầu hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, mà còn góp phần thông thương trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Hồng Như, Bí thư Đảng ủy phường III, cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của ông Tư Chu, người dân địa phương đã có cây cầu rộng rãi kiên cố. Trước đây nơi đây cũng có cầu nhưng cầu được bắc khá lâu nên xuống cấp. Nay có được cây cầu vững chãi như vầy, ai nấy phấn khởi lắm”.

Thêm cây cầu mới được xây dựng, thêm tuyến đường được nâng cấp sửa chữa là khuôn mặt ông Tư Chu thêm nếp nhăn, mái tóc thêm nhiều sợi bạc. Song ông bảo rằng, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, nên ông sẽ tiếp tục gắn bó với công việc từ thiện này, đến khi nào sức khỏe không cho phép thì mới nghỉ…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>