Chị Lời làm lợi cho chị em Khmer

28/10/2019 | 08:40 GMT+7

“Tôi nói với mấy chị em làm gì cũng phải kiên trì, nếu thấy khó mà từ bỏ thì cuộc sống sẽ khổ hoài...”, chị Thạch Thị Lời, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, mở đầu câu chuyện của mình bằng những tâm sự chân tình như vậy.

Nhờ cần mẫn, kiên trì, chị Lời (áo sọc) không chỉ tự vươn lên mà còn giúp nhiều chị em dân tộc có thu nhập ổn định.

Chúng tôi gặp chị trong một dịp rất tình cờ, khi thấy người phụ nữ cần mẫn gom từng cái khung lục bình đã đan hoàn chỉnh chất từ ghe lên bờ, chờ xe tải đến chở. Hỏi ra mới biết chị là “bà chủ” một nhóm đan lục bình, được duy trì hơn 3 năm nay.

Nói về nghề bình dân và quen thuộc với người dân Hậu Giang, chị Lời chia sẻ: “Hơn 3 năm trước, ở xã có mở lớp đan lục bình, hơn 20 chị em dân tộc theo học. Sau khi lớp học kết thúc, có công ty liên hệ giao sản phẩm cho làm, đâu được có mấy ngày, chỉ còn được 6 người đan thôi. Tôi mê cái nghề này, thấy chị em ngán bỏ cũng buồn, nhưng biết sao được, ai cũng có công việc riêng mà”.

Những chị em phụ nữ phần đi làm ăn xa, phần bỏ hẳn công việc sau khi học, đơn giản vì thấy đan cực, ngồi lâu mà tiền công không được bao nhiêu, sản phẩm có lỗi lại bị trả sửa, nên nản… Ngoài chị Lời rất đam mê và luôn muốn duy trì, 5 chị em khác không chắc chắn gắn bó đến khi nào vì mới đan nên tiền công sản phẩm ít ỏi, chị Lời rút ruột gan mà tâm sự với chị em: “Thôi mọi người gắng mà làm, bây giờ thời gian rảnh rỗi, ngồi xem phim, cải lương không hết mấy tiếng đồng hồ, lúc đó mình đan lục bình được chục ngàn đồng, lo tiền mắm muối hàng ngày trong nhà. Từ từ tay nghề nâng lên, đan giỏi có tiền nhiều hơn”.

Trong căn nhà cấp 4 ở ấp Thạnh Trung, chị Lời chất đầy những sản phẩm đan đã thành phẩm, chuẩn bị chở ghe giao cho đơn vị thu mua. Chị giới thiệu: Cái hộc tủ lớn thế này là được 13.000 đồng, nhỏ hơn giá 5.000-6.000 đồng, có loại lớn hơn tiền công đan tới trăm mấy ngàn đồng… Từ những ngày đầu, chị Lời đã đứng ra liên hệ với công ty để mua lục bình khô, sau đó chuyển lại cho các chị em đan và ăn tiền sản phẩm.

Từ 6 người hoạt động cầm chừng, giờ đây có tổng cộng 30 người tham gia đan lục bình, trong đó có nhiều người trong một gia đình cùng làm, tổng cộng 18 gia đình tham gia công việc này. Bây giờ, cứ 5 ngày chị mua 300kg lục bình khô và 10 ngày chị giao sản phẩm cho công ty một lần, trung bình mỗi đợt giao khoảng 500 sản phẩm. Chị nào đan giỏi được trả công hơn 1 triệu đồng, tính ra mỗi tháng thu nhập tầm 3 triệu đồng/người/tháng. Đầu mối nhận hàng, mua lục bình khô đều do chị Lời phụ trách. Mỗi chị em tham gia đan đát với chị Lời đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là cần có tiền để chăm chút cho gia đình, con cái. Chị Thạch Thiệp, gắn bó với chị Lời bấy lâu nay, chia sẻ: “Có Lời đứng đầu, chị em người dân tộc quanh đây yên tâm lắm, có hàng làm liên tục, rồi tiền bạc được trả đàng hoàng. Nhờ Lời mà mọi người duy trì được nghề này tại ấp”.

Ba năm nay, 30 người trong nhóm đan lục bình cùng nhau gửi tiền tiết kiệm, mỗi người ít nhất mỗi tháng 50.000 đồng, nhiều 200.000 đồng, bây giờ số tiền gửi ngân hàng đã là 18 triệu đồng tiền gốc. Số tiền lãi hàng năm cho đến nay mọi người thấy chưa nhiều nên mới bàn nhau sẽ dồn vào tiền gốc, gửi vào ngân hàng tiếp tục.

Cuộc sống của chị Lời chưa phải quá giàu có, nhưng tấm lòng của chị cao cả. Người phụ nữ người dân tộc Khmer đã ngoài 50 tuổi này luôn cười rất hào sảng dù cuộc đời của chị hạnh phúc chưa thể gọi là đong đầy. Thời con gái đôi mươi, chị kết hôn với một người đàn ông. Sau đó, chồng chị đi chiến trường Campuchia, sau một thời gian chị hay tin là chồng đã có vợ con bên đó. Chồng có dịp về thăm, nhưng với chị duyên nợ đã hết, chị có một người con gái với người đàn ông đó, nhưng chị tự tin mình có thể nuôi con, không cần trợ cấp từ chồng. Chị nhẹ nhàng nói lời chia tay…

Sự mạnh mẽ đó, đã giúp chị vượt qua cú sốc tình cảm, những khó khăn khi áp lực kinh tế đè nặng trên vai người mẹ một mình nuôi con, vượt qua những khó khăn để duy trì nghề đan lục bình, để tự giúp mình và giúp cả những người phụ nữ Khmer khác nữa. Với sự hết lòng, tận tâm, chị được giao nhiệm vụ là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thạnh Trung.

Chị Lời đã viết lên câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ dân tộc khác vươn lên. Quan điểm sống của chị là sự cố gắng thật sự nào cũng sẽ được đền đáp. Chị Nguyễn Thị Kim Nhuyễn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hỏa Lựu, cho biết: “Với những hiệu quả tích cực và có điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, mô hình này đã được chúng tôi xin ý kiến Đảng ủy xã thành lập Tổ phụ nữ dân tộc tiết kiệm theo gương Bác. Đây là mô hình điển hình của hội, tiêu biểu trong chị em dân tộc. Chị Lời giúp chị em có ý thức vươn lên, có sự san sẻ và đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>