“Tình Bác thiêng liêng”…

19/05/2017 | 08:05 GMT+7

Tôi xin mượn tên một bài hát để đặt tựa đề cho bài viết của mình, vì tôi thấy hòa chung vào dòng chảy văn học nghệ thuật của đất nước, văn, nghệ sĩ Hậu Giang luôn hướng về Bác bằng cả tấm lòng tôn kính và những sáng tác về Người cũng dạt dào cảm xúc, chất chứa suy nghĩ, niềm tin, hy vọng… để mỗi người đọc, người nghe, người xem thấy được “Tình Bác thiêng liêng”!

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc chia sẻ cảm xúc khi viết về đề tài Bác qua bài hát: “Học gương Bác học làm người”.

Báo với Bác thành quả Hậu Giang trong từng sáng tác

Với một nhân cách lớn như Hồ Chủ tịch, khi đặt bút viết hay sáng tác, mỗi văn, nghệ sĩ đều rất đắn đo. Bởi, trong sáng tác phải làm cho người đọc, người nghe, người xem cảm nhận được sự bình dị, nhưng cao cả, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, gần gũi nhưng cao quý… Những điều đó không hề dễ dàng.

Tôi tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang và nghe anh chia sẻ. Anh nói, thông thường, mỗi sáng tác, anh nuôi dưỡng rất lâu, bởi anh vốn kỹ tính, chọn ca từ phải thể hiện hết ý của mình, giai điệu dễ hát. Cảm xúc bình thường thôi đã khó, viết về Bác lại càng khó hơn, dù đây là đề tài tạo nhiều hứng khởi và ai cũng muốn có một sáng tác hay về vị Cha già kính yêu của dân tộc. “Những câu chuyện về Bác luôn lay động lòng người, nhiều tác phẩm viết về Bác đã rất hay và đi sâu vào lòng người, nên mình viết thế nào để mới, khác, tránh trùng lắp là chuyện phải luôn nghĩ đến, trăn trở”, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc bày tỏ.

Anh còn nói rằng, phải viết thế nào để báo với Bác quê hương Hậu Giang đang đổi thay, ra sức vươn lên, để nhắc nhở mọi người học tập Bác bằng những suy nghĩ, hành động trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Trong các bản nhạc của mình, anh có hai bài hát về đề tài này: “Cảm xúc tháng năm” và “Học gương Bác học làm người”. Mỗi ca từ đều là tâm huyết, được anh suy tư, trăn trở, chắt lọc. Có lẽ những chia sẻ này càng được tô đậm hơn khi lắng lòng suy ngẫm những ca từ trong bài hát “Học gương Bác học làm người” mà anh vừa viết cách đây không lâu: “Học gương Bác bình dị sáng trong, yêu thương con người, đồng bào, đồng chí. Cùng chân lý mình vì mọi người, suốt cuộc đời không một chút riêng tư… Ai ơi! Có bao giờ tự hỏi lòng đã làm điều gì trái với Bác không. Và ai ơi có bao giờ thẹn với lòng, khi những lần suy tính so đo. Học gương Bác là học suốt đời, học làm người nhiều điều tốt mọi điều hay. Và ngày mai đứng trước di ảnh Người, ta thấy trong lòng thanh thản sạch trong”…

Rưng rưng cảm xúc !

Cảm xúc về Bác nhiều nên đề tài này vẫn luôn được nhiều người ấp ủ, để khi cảm xúc được nuôi dưỡng đầy sẽ bật thành lời. Như tác giả Ngọc Thảo, hội viên Phân hội Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, đã bung tỏa cảm xúc khi cùng dòng người viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Chị đã rưng rưng niềm xúc cảm khi nhớ về Bác, về cuộc chiến, qua hồi tưởng của một cựu chiến binh đến đây thắp hương viếng Bác. Bài vọng cổ “Tình Bác thiêng liêng” đã ra đời trong sự xúc động lẫn niềm tự hào vì những đổi thay của quê hương sau bao năm đổi mới, vì những con người Hậu Giang đang chung tay xây dựng quê hương, đưa Hậu Giang vững bước tiến lên, rực sáng giữa đồng bằng… Chị đã có sự liên tưởng về sự tàn khốc của chiến tranh, của những ngày quê hương Long Mỹ nói riêng chìm trong bom đạn, để thấy được sự kiên cường, bất khuất của con cháu Bác Hồ, đã không làm Người thất vọng, khi cùng góp phần đánh tan kẻ thù, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đề tài về Bác có lẽ nghệ sĩ nào cũng ấp ủ. Tuy nhiên để có thể biến những cảm xúc thành sản phẩm nghệ thuật cần một quá trình trải nghiệm, nuôi dưỡng. Những người tôi có dịp gặp, dù đã viết hay chưa viết đề tài về Bác, họ rất dè dặt. Với họ, viết về Bác là đề tài khó, muốn viết phải trải nghiệm nhiều hơn với cuộc sống để có thể làm nên những sản phẩm có thể tác động đến mọi người.

Khi bài báo này sắp lên khuôn, tôi nhận được cuộc gọi từ nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, thông tin Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã chọn bài hát “Học gương Bác học làm người” làm mô hình “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong sinh hoạt chuyên đề ở các cuộc họp lệ chi bộ. Bước đầu, mô hình được triển khai với hình thức tổ chức cuộc thi hát. Một sáng tác được chọn vì gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với học tập và làm theo Bác là niềm vui của người nghệ sĩ, bước đầu chứng tỏ sáng tác của mình đã có sức sống…

Có tác phẩm hòa nhịp vào cuộc sống như “Học gương Bác học làm người” là mục tiêu để các văn, nghệ sĩ hướng đến, để những sản phẩm nghệ thuật của mình về đề tài Bác được đón nhận, cùng tạo sức lan tỏa và cùng thắp thêm ngọn lửa tin yêu, phấn đấu học tập và rèn luyện để xứng đáng niềm tin, kỳ vọng và mong mỏi của Người lúc sinh thời.

Những ngày này, với mỗi văn, nghệ sĩ của Hậu Giang, cảm xúc về Bác kính yêu luôn dạt dào, luôn nghĩ về Bác, nhớ về Bác trong từng sáng tác và trong hành trình đi tới: 19 tháng 5 trời thương đất nhớ, nhớ về Người, nhớ tình Bác thiêng liêng !

Học tập Bác bằng hình thức cuộc thi hát

(HG) - Ngày 18-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức Cuộc thi hát về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với sự tham gia của hơn 120 đảng viên đến từ 13 chi bộ trực thuộc. Các đơn vị dự thi cùng hát ca khúc “Học gương Bác học làm người” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, dưới hình thức tốp ca. Đây là buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cũng là một mô hình mới, giúp các buổi sinh hoạt chuyên đề trở nên nhẹ nhàng, cuốn hút, dễ nhớ, dễ thấm vào lòng người. Thông qua bài hát, nhắc nhở đảng viên và quần chúng một số nội dung chính về học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua một sáng tác có khá đầy đủ các nội dung cần học tập.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>