Đằm thắm tình thơ

20/01/2017 | 08:56 GMT+7

Cách đây 2 năm, tôi có dịp trò chuyện cùng vợ chồng nhà thơ Thanh Huyền - Đức Thành, rất khoái câu chuyện gầy dựng hạnh phúc, về cuộc sống thơ của ông bà. Giờ, có dịp trở lại, ông đã bệnh, bà cần mẫn chăm sóc chồng. Bà nói vui, có lẽ vì nhau mà ông vẫn còn núm níu cõi tạm, để vui vầy cùng con cháu, để được nghe bà đọc thơ.

Đôi vợ chồng đồng điệu cách đây 2 năm. Hạnh phúc với hai nhà thơ Thanh Huyền - Đức Thành giờ chỉ giản đơn là được làm thơ và đọc cho nhau nghe…

Tình già và nghiệp thơ

Năm nay, ông đã 81 tuổi, còn bà cũng đã ở tuổi 77. Bà nói, gần 2 năm nay, ông bị tai biến phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác, nhưng vẫn hiểu, vẫn nhớ mọi chuyện. Vì thế, bà vẫn thường kể chuyện, đọc thơ cho ông nghe. Gợi lại câu chuyện thơ, giọng bà trầm xuống, bà có hỏi ông còn điều gì chưa làm được, ông lắc đầu và nở nụ cười mãn nguyện, bởi trong suốt cuộc đời của họ đã trải qua nhiều thăng trầm và họ đã sát cánh bên nhau để được thỏa lòng vùng vẫy cùng niềm đam mê mà họ đã xem là nghiệp thơ.

Trong suốt cuộc song hành, họ đã cùng in chung 4 tập thơ: “Vần trăng viên mãn”, “Hoa nắng chiều xuân”, “Con đường hạnh phúc” và “Chung bóng đường thi”. Một điều dễ cảm nhận ở mỗi tập thơ lúc nào cũng là những cảm xúc về Đảng, về Bác Hồ, về các danh nhân, anh hùng dân tộc và về tình yêu đôi lứa. Nếu thơ của ông vang và hùng tráng, thì thơ của bà là tiếng lòng, phảng phất chút buồn, chút hoài niệm với những vần điệu ngọt ngào. Nhà thơ Thanh Huyền chia sẻ: “Dù cuộc sống có thế nào, rồi cuối cùng cũng về cõi hư vô, chỉ có những tâm tư, cảm xúc, nỗi nhớ, niềm thương qua trang viết vẫn còn tồn tại. Tôi tìm đến thơ như tìm nguồn vui, sự thoải mái của tuổi về chiều. Những vần thơ như khúc tâm tình, làm phong phú tâm hồn và chúng tôi thấy mình trẻ hơn, yêu đời hơn”.

Hai người còn có cùng niềm đam mê và nghiên cứu làm thơ Đường và là thành viên của Chi hội UNESCO thơ Đường thành phố Cần Thơ. Ông bà tự học, tìm tòi về niêm luật, cộng với cảm xúc từ cuộc sống để có được những bài thơ ưng ý.

Trong hạnh phúc có gian khổ và có cả thơ

Nhà thơ Thanh Huyền và Đức Thành cùng quê ở Cần Giuộc, Long An, sinh ra trong một gia đình khá giả, được ăn học đỗ đạt. Mối lương duyên của họ là do cha mẹ chọn. Bà giỏi giang, vén khéo và chu toàn gia đình, ông học giỏi, biết quan tâm và bảo bọc mái ấm…

Vốn tự lập, sau khi học xong tú tài, ông về Sóc Trăng rồi về Hậu Giang từ năm 1962 (lúc đó là tỉnh Chương Thiện) đi dạy rồi làm ở Ty Tiểu học. Một người đi làm không thể lo được cho gia đình, khi những đứa con lần lượt ra đời, ông tìm cách cho bà được đi học khóa sư phạm ngắn ngày để dạy tiểu học. Hai vợ chồng khẩn hoang một miếng đất, cất tạm mái nhà che nắng che mưa và hàng ngày đến lớp truyền kiến thức cho học sinh, tối đến lại trở về túp nhà tranh bên mâm cơm đạm bạc.

Cuộc sống hạnh phúc dần trôi qua cho đến ngày đất nước giải phóng. Đồng lương giáo viên ít, mà các con đang lớn dần. Hơn nữa, ông lên Cần Thơ làm ở Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi khi chia tách Cần Thơ và Sóc Trăng, lại tiếp tục về Sóc Trăng, còn bà ở lại Vị Thanh, gánh gồng gia đình với sáu đứa con. Bà nhớ lại: “Không biết lúc đó lấy đâu ra sức mà lo cho gia đình nữa. Tôi tranh thủ giờ ra chơi, đầu giờ là bán khoai, cốm, kẹo… cho mấy đứa học trò để kiếm thêm thu nhập. Mấy đứa con lớn thấy mẹ cực khổ, cũng đi bán xôi tiếp. Vậy mà những ngày tháng đó thật hạnh phúc, mâm cơm chỉ vài con cá, dĩa rau luộc, nhưng đầy ắp tiếng cười…”.

Có lẽ sức mạnh của tình yêu, tình người nơi vùng đất mới đã giúp họ vượt lên tất cả. Giờ, họ cũng là niềm hãnh diện bởi đã không hề làm cha mẹ thất vọng khi học thành đạt và có gia đình hạnh phúc. Trong số đó, có đến hai người con theo nghiệp “trồng người” của cha mẹ. Nhắc đến gia đình, mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc: “Giờ sáu đứa đã thành đạt và có công ăn việc làm ổn định, có mấy đứa nối nghiệp cha mẹ làm chúng tôi thấy ấm lòng. À, đứa con trai là tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Luật của Trường Đại học Cần Thơ đó, mới được phong là Phó giáo sư”.

***

Giờ, ông đang chống chọi với bệnh tật từng ngày, bà cần mẫn chăm sóc ông. Câu chuyện của họ chuyển sang một gam màu khác, nhưng hồn thơ vẫn trọn vẹn. Mỗi khi viết một bài thơ mới, bà lại thủ thỉ đọc cho ông nghe:

“Mây giạt nẻo không trôi bến mộng

Gió về vô định bước đời thường

Con nước ai xuôi về vạn ngả

Trở sầu bấc lụn lạc bờ thương…”

 (“Ngẫu hứng”- Thanh Huyền)

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>