Đi dân nhớ, ở dân thương

12/04/2018 | 09:25 GMT+7

Đó là những gì chúng tôi cảm nhận khi đến thăm nơi đóng quân của lực lượng dân quân cơ động trong đợt huấn luyện năm nay.

Lực lượng dân quân cơ động huyện Vị Thủy giúp xã Vị Trung phát quang tuyến đường dẫn vào trung tâm.

Quân - dân như cá với nước

Đến ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh vào một buổi trưa cuối tháng 3 cũng là lúc lực lượng dân quân cơ động đang nghỉ sau một buổi huấn luyện khá vất vả.

Theo đại úy Ngô Minh Tuấn, Trợ lý Dân quân tự vệ Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vị Thanh, để tạo thuận lợi cho công tác huấn luyện, đơn vị đã phối hợp với địa phương vận động một số gia đình để lực lượng đóng quân và được bà con ủng hộ. Một điều khá xúc động là tình quân - dân hầu như không có khoảng cách. 

Minh chứng cho lời nói, đại úy Tuấn dẫn chúng tôi đến nhà ông Lê Oai - nơi có 7 chiến sĩ đang ở.

Gặp chúng tôi, ông Oai thông tin: “Hầu như ngày nào gần đến giờ nghỉ trưa là tôi làm một ca trà đá thật lớn để các cháu giải khát. Tội nghiệp, huấn luyện vừa xa gia đình, thời tiết lại vừa oi bức nên cực lắm”.

Đã gần 70 tuổi, đang ở chung với vợ chồng người con út và ngôi nhà cũng không rộng lắm, nhưng khi lực lượng chức năng hỏi cho một số dân quân cơ động ở trong đợt huấn luyện thì ông vui vẻ nhận lời.

Tại đây, ngoài giờ huấn luyện, ông trực tiếp hỏi thăm cuộc sống gia đình từng người; đêm đến, ông lấy mùng, quạt gió để lực lượng sử dụng. Có hôm, ông còn kể cho lực lượng này nghe về truyền thống của quê hương Hỏa Lựu đến tận khuya.

Còn lực lượng dân quân cơ động, ngoài giờ huấn luyện thì giúp gia đình ông quét dọn, sửa lại hàng rào, phụ thu hoạch lúa hay một số công việc mà gia đình nhờ. Chiến sĩ Nguyễn Đường Tín Vũ, ở phường III, bộc bạch: “Lúc đầu, tôi khá bỡ ngỡ khi ở nhà dân, bởi không biết sinh hoạt như thế nào để phù hợp với gia đình. Thế nhưng, chỉ ở một ngày, tôi khá bất ngờ khi được gia đình đón tiếp chu đáo, niềm nở. Họ còn dặn, sau khi huấn luyện, hôm nào rảnh thì xuống nhà chơi, làm tôi rất xúc động”.

Đó cũng là tâm sự của nhiều chiến sĩ dân quân cơ động khi đóng quân nhà dân để tham gia huấn luyện năm nay.

Theo ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố, trong đợt huấn luyện này gặp không ít khó khăn, nhất là thời tiết, nhưng được các gia đình tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt nên góp phần vượt qua khó khăn.

Trong số đó, có nhiều gia đình sẵn sàng hỗ trợ lực lượng dân quân nấu ăn hay làm gà, vịt để đãi. Với họ, tình cảm quân - dân như cá với nước đã có từ lâu, nay là dịp để thể hiện, nâng lên.

Xây dựng nông thôn mới   

Có mặt tại đường Than dài trên 1km, thuộc ấp Phú Đông, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui của bà con khi tuyến này đã được đắp ta-luy chuẩn bị đổ đá. Đây là tuyến đường đất, có nhiều ổ gà nên người dân đi lại rất khó khăn kể cả mùa nắng. Cách đây khoảng nửa tháng, được chủ trương của chính quyền, người dân góp tiền để đổ đá xô bồ nhằm tạo điều kiện đi lại dễ dàng. Tiền đã có nhưng việc đắp ta-luy không hề dễ, bởi phần lớn thanh niên ở đây đi làm ăn xa. Thấy vậy, trong đợt huấn luyện dân quân cơ động của huyện, đơn vị dành gần 1 ngày để đắp ta-luy ở tuyến đường này cho bà con.

Theo nhiều người dân, hôm ấy có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia đắp ta-luy. Chỉ tay về tuyến đường, ông Nguyễn Văn Phúc, người dân ở đây, vui vẻ nói: “Không đầy một tuần nữa thì việc đi lại trên tuyến sẽ thuận lợi cả mùa mưa, nắng. Đó cũng nhờ mấy chú dân quân cơ động xuống giúp cả”.

Xuôi về huyện Vị Thủy, chúng tôi được nghe câu chuyện lực lượng dân quân cơ động giúp xã Vị Trung phát quang và trồng bông huyết rồng tại tuyến đường dẫn vào trung tâm xã dài hơn 2km. Nay, tuyến đường đã thông thoáng, sáng sủa, hứa hẹn một ngày không xa trở nên đẹp khi huyết rồng phát triển.

Theo lãnh đạo xã Vị Trung, nhờ góp sức của lực lượng dân quân cơ động nên chỉ 2 ngày tuyến đường vào xã trở nên thông thoáng, sạch đẹp, góp phần không nhỏ để giúp địa phương hoàn thành việc xây dựng xã nông thôn mới vào năm nay.

Cùng với đó, lực lượng dân quân cơ động toàn tỉnh còn tham gia thực hiện nhiều công trình, giúp dân trong phát triển kinh tế, nhất là một số tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới như: tiêu chí môi trường, quốc phòng - an ninh, giao thông…

Đại tá Nguyễn Văn Vững, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Không chỉ năm nay mà nhiều năm qua, địa phương nào chuẩn bị công nhận xã nông thôn mới, chúng tôi đều đưa quân xuống hỗ trợ thực hiện một số tiêu chí. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát động dân quân chung sức xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực”.

Khẳng định rằng, trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, lực lượng quân sự nói chung, dân quân cơ động nói riêng luôn để lại những dấu ấn đậm nét bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Còn đối với chính quyền địa phương và Nhân dân, họ chính là lực lượng không thể thiếu mỗi khi cần góp sức; và rồi “Đi dân nhớ, ở dân thương” luôn hiện hữu trong mỗi người dân dành cho lực lượng này.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>