Xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin sai sự thật

24/02/2020 | 08:39 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều thông tin sai sự thật được phát tán trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cho tổ chức, cá nhân, làm hoang mang dư luận. Đây là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng tỉnh làm việc với N.N.Y về việc thông tin sai sự thật trên facebook về dịch Covid-19.

Ngày 17-2 vừa qua, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với N.N.Y, ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, vì đăng tải thông tin về dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh sai sự thật trên facebook, gây hoang mang dư luận. Đây là trường hợp đầu tiên của tỉnh bị xử phạt và cũng là một trong nhiều trường hợp đưa thông tin sai về dịch Covid-19 trong cả nước.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh thông tin chính thống, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, thông tin sai lệch gây nhiễu loạn và khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Những hành vi vi phạm pháp luật này được thanh tra sở thông tin và truyền thông các địa phương phối hợp với đơn vị chức năng xác minh, xử lý kịp thời.

  1. Đặng Hiếu Trung, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Việc ra đời của các mạng xã hội đã tạo ra những giá trị tích cực, thay đổi cách tiếp cận thông tin. Nhưng mạng xã hội cũng có những tác động xấu, gây hoang mang dư luận khi nhiều đối tượng lợi dụng để đưa thông tin tiêu cực, mang tính vu khống, bịa đặt...

Ông Trung phân tích, có ba nhóm sử dụng mạng xã hội thường vi phạm, đó là nhóm những người hạn chế hiểu biết pháp luật, đưa tin không kiểm chứng và không có động cơ gì; nhóm thứ hai là những người đưa tin có chủ đích để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc kiếm lời cá nhân và nhóm thứ ba là đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác nhằm phá hoại, gây mất ổn định trật tự xã hội.

Còn một cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho biết thêm: Sau trường hợp xử phạt N.N.Y, đơn vị sẽ tiếp tục tiến hành xác minh, làm rõ một số chủ tài khoản facebook trên địa bàn tỉnh có đăng tải thông tin sai lệch về tình hình dịch Covid-19.

Tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định, nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Theo đó, người nào có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Còn tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Theo ông Đặng Hiếu Trung, với trường hợp người bịa đặt, loan truyền những thông tin mình biết rõ là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác, có thể bị truy cứu tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu không phải là người trực tiếp bịa đặt, tung tin thất thiệt nhưng có hành vi đưa những thông tin trái với quy định pháp luật đó lên mạng để thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

Có thể thấy, việc phát ngôn, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng khác. Nếu vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định. Do đó, cá nhân khi sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin trên mạng.

Ngày 3-2-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 15-4-2020, thay thế Nghị định 174/2013.

 

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>