Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch

07/04/2020 | 07:38 GMT+7

Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: trốn tránh cách ly, khai báo gian dối, không chấp hành quy định của cơ quan chức năng... sẽ bị xử lý nghiêm.

Cán bộ cơ sở tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng dịch Covid-19 cho người dân.

Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao ban hành Công văn số 45 hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết căn cứ vào Quyết định 219 ngày 29-1-2020 của Bộ Y tế thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Cụ thể, quy định của pháp luật hiện hành về hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền... đều thuộc các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh, nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, TAND tối cao vừa ban hành hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, với những trường hợp người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19 đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối… thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa lại tự ý trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối dẫn đến gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.

Cũng theo ông Phạm Hoàng Lâm, công văn của TAND tối cao không chỉ hướng dẫn việc xử lý đối với các hành vi làm lây lan mà còn xử lý đối với các hành vi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Như với những đối tượng có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.

Người có hành vi đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 ra khỏi biên giới sẽ bị xử lý về tội buôn lậu. Tương tự, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ.

TAND tối cao cũng đã có hướng dẫn về áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp trong quá trình xử lý. Trong đó, yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người…); áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (chưa làm lây lan dịch bệnh).

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, TAND các cấp chủ động phối hợp các cơ quan tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong thời gian có dịch Covid-19, ngành tòa án sẽ xem xét đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 ra xét xử, nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch, như phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên tòa vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tố tụng.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>