Vì sao án dân sự tồn đọng, kéo dài ?

28/05/2020 | 08:39 GMT+7

Nhiều vụ án dân sự tồn đọng, kéo dài hoặc chậm đưa ra xét xử đang là thách thức đối với tòa án các cấp.

Một vụ án dân sự được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm.

Gần đây, Báo Hậu Giang nhận được phản ánh của ông Nguyễn Hoàng To, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Bởi ông là đương sự trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và đã được TAND huyện Vị Thủy thụ lý. Đáng nói là sau nhiều năm, dù gia đình ông đã cung cấp đầy đủ chứng cứ, nộp các loại phí theo yêu cầu nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử.

“Do chờ đợi lâu nên tôi liên hệ TAND huyện Vị Thủy thì được giải thích là vụ việc sẽ được sớm xét xử, nhưng chờ mãi không thấy gì hết. Tính từ lúc tôi nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp ra tòa đã gần 3 năm, song đến nay vẫn chưa biết vụ việc của tôi sẽ đi về đâu?”, ông To bức xúc nói.

Thực tế công tác xét xử hiện nay cho thấy, với các vụ án hình sự, việc chậm xử lý hoặc để quá hạn gần như rất ít xảy ra bởi các quy định tố tụng chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với án dân sự, có những trường hợp do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến vụ việc bị chậm giải quyết.

Bà Mạc Thị Chiên, Chánh án TAND huyện Châu Thành A, cho rằng hiện các loại án dân sự thường liên quan đến những vấn đề phức tạp, trong đó có tranh chấp đất đai, tài sản, con cái, quyền thừa kế… Ngoài yếu tố khách quan thì nhiều vụ án kéo dài chưa được giải quyết với lý do đương sự không hợp tác, như không cho đo đạc, định giá, cố tình vắng mặt.

Một số cán bộ tòa án còn lý giải rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án. Việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất nhiều thời gian, thậm chí không mang lại kết quả đối với án có yếu tố nước ngoài. Chưa kể, các vụ tranh chấp đất đai thường có tình tiết phức tạp, trong khi cơ quan liên quan chậm cung cấp thông tin, trả lời xác minh của tòa.

Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai… là 4 tháng kể từ ngày thụ lý.

Đối với các vụ án tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp liên quan đến lao động… thời hạn là 2 tháng kể từ ngày thụ lý.

Có thể thấy, tình trạng án dân sự quá hạn xảy ra đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vốn được luật pháp bảo vệ. Trước hết là đương sự phải mất nhiều thời gian, công sức theo đuổi vụ án.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án TAND tỉnh, cho hay thời gian qua, dù ngành đã có những nỗ lực nhưng do số lượng án thụ lý ngày càng tăng nên làm ảnh hưởng đến tiến độ xét xử. Mặt khác, do số lượng thẩm phán còn hạn chế, nếu để đẩy nhanh tiến độ xử án, các thẩm phán buộc phải giải quyết cùng lúc nhiều vụ nên không có thời gian để nghiên cứu sâu từng vụ án. Từ đó dễ dẫn đến vi phạm tố tụng, gia tăng số lượng án bị hủy, sửa...

Để khắc phục tình trạng án hủy, sửa và nhanh chóng giải quyết các án tồn đọng, quá hạn, ông Trương Đình Nghệ cho biết TAND tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra tiến độ giải quyết án, nhất là án quá hạn; tiến hành kiểm điểm các thẩm phán để án quá hạn…

“TAND tỉnh sẽ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình giải quyết án tại TAND cấp huyện nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xem xét các vụ án”, ông Nghệ nhấn mạnh.

Quyết định số 120 của TAND tối cao nêu rõ: Thẩm phán để từ 3 vụ, việc quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật từ 12 tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng. Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi có một trong những hành vi vi phạm sau: Để từ trên 3 vụ, việc quá thời hạn dưới 6 tháng hoặc 1 vụ, việc trở lên quá thời hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>