Vì đất... mất tình !

18/06/2021 | 09:45 GMT+7

Khi giá trị đất đai ngày càng được ví như “tấc đất tấc vàng” thì việc tranh chấp đất đã không còn xảy ra giữa những người xa lạ, mà ngay cả những người trong thân tộc, gia đình, làm mất đi tình cảm, hòa khí, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Ông V. cùng căn nhà đang tranh chấp với bà T. đã hơn 2 năm qua.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, đất đai ngày càng có giá trị thì những mâu thuẫn nảy sinh về đất cũng phát sinh nhiều hơn, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc; và rồi không ai nhường ai, không ai nhìn ai nữa dù đã được pháp luật phân xử đúng, sai.

Vì đất mà không ai nhìn mặt nhau cả chục năm. Đó là trường hợp của ông N.V.T. với người em là N.T.N., cùng ở ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành.

Cha mẹ ông T., bà N. có khoảng 10 công đất. Sinh thời, ông bà đã phân chia đất hết cho các con, trong đó có phần của ông T., bà N. Theo ông T., năm 1995, vợ chồng ông ra riêng được cha cho một phần đất nhưng cha vẫn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trạng khi cho là đất ruộng, năm 2000 ông bơm sình, cát lên để trồng trọt trên diện tích trên 5.000m2.

Đến năm 2005, ông T. cải tạo lại đất trồng nhiều loại cây ăn trái. Ông T. nói: “Quá trình quản lý, canh tác, cải tạo đất, bà N. không ngăn cản gì. Năm 2008, N. về ở chung với cha, trừ phần đất cha đã cho tôi, phần còn lại cha cho N. Năm 2012, cha mất, lúc này mới hay em tôi đã tự làm thủ tục chuyển nhượng phần đất cha đứng tên sang tên N., trong đó có cả phần đất cha cho tôi nên tôi yêu cầu N. làm thủ tục tách giấy cho tôi. Thực tế là đất tôi đang quản lý, canh tác nhưng N. nhất quyết không chịu, buộc lòng tôi phải kiện”.

Vụ tranh chấp đất giữa bà T. và ông V. lại là trường hợp mẹ kế tranh chấp đất với con chồng. Theo lời kể của ông V., năm 1999, cha ông là ông S. qua đời để lại phần đất 160m2 ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, nằm giáp kênh xáng Xà No.

Thời gian đầu, giữa ông và mẹ kế là bà T. sinh sống rất hòa thuận. Tuy nhiên, khi bà T. bán một phần đất với diện tích ngang 4m, dài 20m, còn lại phần diện tích 80m2 thì cả hai bắt đầu bất hòa. Việc bà T. bán đất không được sự đồng ý của ông V., từ đó hai mẹ con phát sinh mâu thuẫn. Ông V. kiện bà T. ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế.

Bà Trần Thanh Ngân, Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ, cho biết: Đa số những vụ tranh chấp đất đai hoặc di sản thừa kế giữa những người trong dòng tộc thường gay gắt hơn so với các tranh chấp giữa các bên không có quan hệ thân thuộc, tỷ lệ hòa giải thành những vụ tranh chấp như thế này cũng không cao, bởi do mâu thuẫn lợi ích giữa các bên đã trầm trọng, kéo dài nhiều năm, khó có thể dung hòa”.

Thực tế cho thấy, trong các cuộc tranh chấp dân sự thì tranh chấp đất đai luôn là vấn đề nóng bởi nó liên quan đến nhiều đối tượng, hoàn cảnh, nhiều loại giấy tờ... khiến người trong cuộc rất khó giải quyết trong một sớm một chiều. Khi xảy ra tranh chấp đất đai, ai cũng có lý lẽ riêng, khó có thể nhường nhịn nhau dù là anh em, thân tộc.

Bà Đặng Hồng Luyến, Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh, chia sẻ: “Tham gia xét xử nhiều vụ án tranh chấp đất đai hay thừa kế có yếu tố gia đình, tôi thấy rằng sau mỗi bản án của tòa đều có người thắng, người thua; người được, người mất. Nhưng nhìn chung, tình thân ruột thịt đều mất đi sau bản án, nhiều người chỉ vì mấy mét vuông đất mà sẵn sàng vứt bỏ tình thân, máu mủ của mình, đó là mất mát đáng tiếc nhất từ những tranh chấp đất đai như thế”.

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai trong thân tộc, gia đình một phần cũng xuất phát từ sự chủ quan trong việc tặng cho, chuyển đổi,... không tuân thủ pháp luật về hình thức và nội dung, không làm đúng các thủ tục theo quy định.

Do đó, theo ông Hùng, để hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai trong người dân cũng như trong gia đình, thân tộc, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là những quy định của Luật Đất đai. Cùng với đó, chú trọng công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là vận động, thuyết phục, giải thích pháp luật nhằm giúp người dân hiểu để hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh”.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>