Triển khai, thực hiện tốt pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

14/10/2019 | 07:39 GMT+7

Từ khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực thi hành vào ngày 4-10-2001, được sửa đổi bổ sung năm 2013, các cấp ủy đảng, chính quyền ở tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thực tập phương án chữa cháy tại Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ. Ảnh: HOÀNG NHÂN

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy của Nhân dân trong công tác phòng, chống giặc lửa. Toàn đơn vị có 86 cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình tham mưu cho lãnh đạo các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn PCCC. Từ đó, từng bước kiềm chế, kéo giảm tình hình cháy, nổ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Đơn vị cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở nhiều địa hình, phục vụ hữu hiệu nhiệm vụ chuyên môn và bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ. Hiện đơn vị này có 11 xe chữa cháy, trong đó có 9 xe chữa cháy chuyên nghiệp, 1 xe cứu hộ, cứu nạn và 1 xe thang, bố trí 3 điểm trên địa tỉnh là thành phố Vị Thanh; thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A và Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành.

Những yếu tố đó cùng sự nỗ lực, gan dạ, mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” mà thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã ngăn chặn kịp thời hơn 50 vụ cháy, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và Nhân dân với số tiền ước tính khoảng 84 tỉ đồng.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH còn tích cực tham gia chi viện, hỗ trợ đắc lực trong công tác chữa cháy với các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, phải kể đến vụ cháy ở Công ty may Kwong Lung - Meko tại Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ vào năm 2017 được Bộ Công an và UBND thành phố Cần Thơ khen thưởng.

“Do vụ cháy kéo dài, âm ỉ, độc hại nhưng một khi đã xác định tham gia hỗ trợ cùng với các đơn vị bạn thì chúng tôi quyết không lùi bước, nản chí và nỗ lực, quyết dập tắt đám cháy để giành lại tài sản cho công ty. Vả lại, đây chính là trách nhiệm của người lính cứu hỏa chúng tôi”, đại úy Trần Minh Tuấn, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, tâm sự.

Đại tá Huỳnh Văn Điều, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết: “Chúng tôi đã và đang từng bước xây dựng phương án chữa cháy đối với cụm dân cư, trung tâm thương mại, nhà cao tầng ở tỉnh để khi có sự cố cháy nổ thì các cán bộ, chiến sĩ sẽ chủ động hơn trong công tác chữa cháy. Đồng thời, có tổ chức kiểm tra nghiệp vụ định kỳ và tập huấn các lớp nghiệp vụ trong công tác này”.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng thường xuyên triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các quy định về công tác an toàn PCCC tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị trên địa bàn; tích cực phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chỗ và CNCH để kiểm tra, đánh giá công tác chỉ huy, điều hành và khả năng huy động lực lượng, phương tiện của các lực lượng tham gia chữa cháy cơ sở.

Như buổi thực tập phương án chữa cháy CNCH tại Siêu thị Co.opMart Vị Thanh.

Tình huống cháy giả định là do chập điện xảy ra cháy tại kho hàng phía sau của khu nhà bán hàng, có khả năng lan sang các khu vực lân cận, đe dọa tính mạng của cán bộ, nhân viên và tài sản của người dân. Khi phát hiện cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ của siêu thị nhanh chóng báo động, cắt cầu dao điện, gọi điện báo cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp.

Tại hiện trường, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã sử dụng các phương tiện, dụng cụ sẵn có như: bình chữa cháy xách tay, cát, lăng vòi phun nước chữa cháy, ngăn cháy lan; đám cháy nhanh chóng bị dập tắt và nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy được đưa ra ngoài an toàn.

Ông Trần Thanh Hoàng, Đội trưởng Đội PCCC Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, nói: “Dù chỉ là thực tập phương án nhưng đã giúp anh em chúng tôi nhanh nhạy, xử lý tình huống tốt hơn, nâng cao chiến thuật, kỹ thuật, nghiệp vụ chữa cháy. Quan trọng là giúp đội chữa cháy của đơn vị thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Vì chúng tôi xác định đây là phương châm thiết thực, hiệu quả nhất để phòng ngừa cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 đội PCCC cơ sở, đội PCCC dân phòng với gần 8.200 đội viên đã qua tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH. Qua đó, lực lượng này đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức PCCC, đồng thời  phát hiện, xử lý, dập tắt kịp thời các vụ cháy xảy ra từ cơ sở, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Ông Nguyễn Minh Du, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Công ty TNHH MTV phân hữu cơ Ân Thịnh Điền, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Công ty đã thành lập đội PCCC và chia làm 2 ca trực 24/24 giờ. Từ khi thành lập, đội ngũ này được huấn luyện, tổ chức thực tập để anh em nắm vững những thao tác, kịp thời xử lý những tình huống cháy, nổ xảy ra ngay thời điểm mới phát sinh”.

Theo ghi nhận của ngành chức năng, do tính chất nguy hiểm từ cháy, nổ nên lãnh đạo các cơ sở, đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến vai trò quan trọng của lực lượng PCCC tại chỗ thông qua việc thành lập, củng cố đội PCCC cũng như đầu tư hoàn chỉnh hệ thống PCCC. Nhờ vậy đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác PCCC, thúc đẩy phong trào toàn dân PCCC trong tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố lại lực lượng chữa cháy dân phòng; mở các lớp tập huấn công tác PCCC cho lực lượng này, kể cả đội PCCC cơ sở ở các công ty, đơn vị nhằm nâng cao nghiệp vụ, giúp sử dụng thành thạo các trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC tốt hơn. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC cho người dân, bởi đây là công tác rất quan trọng để góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, đại tá Huỳnh Văn Điều nhấn mạnh.

Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức về PCCC

Pháp luật hiện hành về PCCC quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra…

 

  HOÀI XUYÊN - MAI PHÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>