Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trẻ em năm 2017

07/08/2019 | 22:44 GMT+7

Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua vào ngày 05 tháng 4 năm 2016. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 đã kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Công ước Quyền trẻ em và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm giúp cán bộ, công chức và Nhân dân kịp thời cập nhật và hiểu rõ hơn những quy định của Luật Trẻ em, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Trẻ em dưới dạng hỏi - đáp sau:

Hỏi: Hãy cho biết bảo vệ trẻ em là gì ?

Đáp: Khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Hỏi: Hãy cho biết phát triển toàn diện của trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 2 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết chăm sóc thay thế được hiểu như thế nào ?

Đáp: Theo khoản 3 Điều 4 Luật Trẻ em, chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết xâm hại trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Hỏi: Hãy cho biết bạo lực trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết bóc lột trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 7 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Hỏi: Hãy cho biết xâm hại tình dục trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Hỏi: Hãy cho biết bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 9 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hiểu như thế nào ?

Đáp: Khoản 10 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Hỏi: Hãy cho biết nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 5 Luật Trẻ em quy định các nguyên tắc sau:

- Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

- Không phân biệt đối xử với trẻ em.

- Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.

- Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

- Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích