Thực hiện tốt Luật Dân quân tự vệ

23/03/2017 | 08:06 GMT+7

Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, lực lượng này trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng nề nếp. Các địa phương đã chú trọng xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân hiệu lực, hiệu quả...

Lực lượng dân quân tự vệ tại huyện Châu Thành A tham gia huấn luyện tại xã Tân Phú Thạnh.

Thực hiện Luật Dân quân tự vệ, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng lực lượng dân quân với trên 13.000 người, chiếm tỷ lệ 1,74% so với dân số tỉnh.

Năm 2016, triển khai công tác phối hợp theo Nghị định 133/2015 của Chính phủ, lực lượng dân quân tại các địa phương đã phối hợp với công an xã, phường, thị trấn tham gia tuần tra trên 533 cuộc, qua đó phát hiện 130 vụ và 712 đối tượng vi phạm trật tự xã hội, tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương, lực lượng dân quân đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác dân vận tại cơ sở. Thông qua các đợt hành quân dã ngoại, lực lượng đã trực tiếp đóng góp 2.638 ngày công lao động, có 6.573 dân quân tham gia cùng chính quyền và các ngành, đoàn thể thực hiện công trình phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Đại tá Nguyễn Văn Vững, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Qua hơn 5 năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ, các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của luật và các văn bản pháp luật về dân quân tự vệ. Qua đó, xây dựng được lực lượng đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, có năng lực tổ chức, chiến đấu, phối hợp tốt với các lực lượng khác trong hoạt động tác chiến và sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao”.

Bên cạnh việc xây dựng, củng cố lực lượng, công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân tự vệ cũng được thực hiện theo chương trình quy định. Hiện nay, quân số tham gia huấn luyện hàng năm đạt trên 85%. Qua công tác huấn luyện, 100% lực lượng đều đạt yêu cầu, trong đó có từ 80% đạt loại khá, giỏi.

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, những năm qua, huyện Châu Thành A đã chú trọng xây dựng và củng cố lực lượng dân quân nhằm nâng cao sức chiến đấu, đồng thời đưa lực lượng này làm nòng cốt tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ với hơn 1.800 người tại các xã, thị trấn.

Trung tá Lê Phú Trí, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành A, chia sẻ: Là lực lượng không thoát ly sản xuất nhưng dân quân trên địa bàn huyện vẫn tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự địa phương; giúp người dân thu hoạch hoa màu, sửa chữa nhà cửa, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách pháp luật, phòng chống tội phạm.

Còn tại huyện Vị Thủy, thực hiện Luật Dân quân tự vệ, hàng năm, công tác tổ chức huấn luyện và xây dựng lực lượng luôn được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo đầy đủ quân số tại địa phương và các khu vực tác chiến trọng điểm. 

Trung tá Lê Văn Bằng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vị Thủy, cho biết: “Việc tuyển chọn công dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ được địa phương đặc biệt chú trọng. Bắt đầu từ tháng 1-2 hàng năm, chúng tôi thực hiện việc tuyển chọn công dân tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ theo luật định. Huyện Vị Thủy hiện đã xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ chiếm 1,78% so với dân số toàn huyện”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thời gian triển khai thực hiện Luật Dân quân tự vệ vẫn có một số khó khăn nhất định ở các địa phương. Theo đó, với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, dân quân lại là lực lượng không thoát ly sản xuất, nhiều dân quân là lao động chính trong gia đình nên việc đảm bảo quân số trong công tác huấn luyện hàng năm còn nhiều khó khăn. Mặt khác, việc cân đối ngân sách đảm bảo cho công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện của lực lượng dân quân tại một số địa phương cũng còn những hạn chế.

Theo đại tá Nguyễn Văn Vững, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Dân quân tự vệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai sâu rộng đạo luật này và các chỉ thị, nghị quyết đến ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Qua đó, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể sát với thực tế của từng địa phương, đơn vị. Công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân hàng năm sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm nhằm từng bước xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Điều 3 Luật Dân quân tự vệ quy định: Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn được gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế được gọi là tự vệ.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>