Thu hồi mặt bằng có đúng quy định ?

15/11/2018 | 08:34 GMT+7

Một số tiểu thương ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, phản ánh việc Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng - Thương mại Thành Phát (đơn vị đầu tư, quản lý chợ tạm tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A) chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng trước thời hạn, gây khó khăn cho việc kinh doanh.

Khu vực mặt bằng cho thuê tại chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh mà các tiểu thương phản ánh.

Bà H.T.H. có quán ăn tại chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, cho biết, vào năm 2016, bà có ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng - Thương mại Thành Phát (Công ty Thành Phát) về việc thuê mặt bằng tại chợ để kinh doanh buôn bán.

Bà H. chia sẻ: “Tôi thuê mặt bằng bán quán ăn gần 2 năm qua, nhưng đang làm ăn yên ổn thì gần đây, Công ty Thành Phát có văn bản đề nghị thu hồi lại mặt bằng khiến chúng tôi rất lo”. 

Cụ thể, vào ngày 14-9-2018, Công ty Thành Phát gửi thông báo về việc thu hồi mặt bằng của một số tiểu thương tại chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh với lý do giao trả mặt bằng cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Theo các tiểu thương, hợp đồng chưa hết thời hạn và thông báo di dời từ phía công ty đưa ra với thời gian 14 ngày. Mặt khác, thông báo nêu rõ: “Nếu các hộ không di dời sẽ bị cưỡng chế để thu hồi với kinh phí dọn dẹp mặt bằng được trừ vào tiền đặt cọc”.

Bà H. chia sẻ thêm: “Hiện nay, việc buôn bán tại chợ là nguồn thu nhập chính, bao nhiêu vốn liếng, chúng tôi đã đầu tư vào đây hết. Giờ Công ty Thành Phát đột ngột thông báo như vậy khiến cả gia đình mất ăn mất ngủ”.

Cũng theo một số tiểu thương, trong khoảng thời gian kinh doanh tại chợ, họ đã nhiều lần phản đối về giá bán điện, nước tại khu vực chợ tạm do Công ty Thành Phát quản lý bởi có nhiều điểm bất hợp lý. 

Theo đó trước đây, các hộ kinh doanh khi thuê mặt bằng tại chợ phải trả tiền điện từ 3.500 đồng/kWh và tiền nước là 15.000 đồng/m3. Tuy nhiên sau đó, công ty đã nhiều lần điều chỉnh giá, cụ thể đến tháng 2-2018, giá điện tăng lên 4.700 đồng/kWh, nước 15.000 đồng/m3, rồi đến tháng 10-2018, lại điều chỉnh giá điện giảm xuống 4.000 đồng/kWh và nước còn 14.000 đồng/m3.

Ông N.N.T., tiểu thương tại chợ cho rằng: “Theo tôi giá điện, nước mà Công ty Thành Phát bán cho các tiểu thương là khá cao so với mức đề xuất của Nhà nước. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu giảm giá nhưng vẫn không được chấp nhận”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình hoạt động từ năm 2016 đến nay, các tiểu thương và ban quản lý chợ này đã nhiều lần phát sinh tranh chấp trong vấn đề mặt bằng, giá điện, nước sinh hoạt…

Trước những phản ánh trên, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, đã có văn bản trả lời đối với một số vấn đề các tiểu thương đặt ra.

Đó là, ngành điện đang bán điện cho Công ty Thành Phát với giá bình quân khoảng 3.000 đồng/kWh, cộng thêm các chi phí điện chiếu sáng, bơm nước, vệ sinh chợ thì giá điện bán cho tiểu thương khoảng 3.300 đồng/kWh là phù hợp với quy định. Vì thế, Sở Công thương đã đề nghị Công ty Thành Phát thực hiện đúng theo quy định của Bộ Công thương tại Thông tư số 16/2014 về giá bán điện.

Trong trường hợp do chênh lệch giữa công tơ điện tử (mua của ngành điện) và công tơ điện cơ (bán điện lại cho tiểu thương), tổn thất điện năng trên dây dẫn, thu không đủ bù chi… thì Công ty Thành Phát phải tổ chức họp toàn thể tiểu thương, thảo luận và thống nhất phần tăng thêm của giá bán điện.

Đối với việc Công ty Thành Phát ban hành thông báo việc thu hồi mặt bằng tại chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh để trả lại cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm chỗ đậu xe cho công nhân. Qua xác minh, Sở Công thương cho rằng công ty đã căn cứ vào biên bản làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp và hợp đồng giữa các tiểu thương nên việc thu hồi là có cơ sở, không trái quy định.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống tiểu thương, Sở Công thương đã đề nghị Công ty Thành Phát bố trí chợ tạm ở mặt bằng khác của khu công nghiệp cho các tiểu thương tiếp tục mua bán hoặc làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thỏa thuận thời gian đảm bảo cho các tiểu thương có thể sắp xếp việc kinh doanh, trả lại mặt bằng như đã ký kết trong hợp đồng.

Thiết nghĩ, hợp đồng giữa hộ tiểu thương và Công ty Thành Phát là giao dịch dân sự. Do đó, các bên cần tuân thủ những điều khoản đã ký kết theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của nhau. Trường hợp cần hoàn trả mặt bằng hoặc điều chỉnh giá điện, nước cũng nên đối thoại để có sự đồng thuận chung, tránh xảy ra tranh chấp làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh cả hai bên. 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>