Tham nhũng vặt tương đối phổ biến, nhiều vụ giết người dã man do 'ngáo đá'

03/09/2019 | 16:07 GMT+7

Các vụ án tham nhũng được đẩy nhanh tiến độ xử lý, bớt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nhưng "tham nhũng vặt' còn tương đối phổ biến. Trong xã hội xảy ra nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết các vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi được đẩy nhanh tiến độ, nhưng tình trạng tham nhũng vặt thì còn tương đối phổ biến - Ảnh: LÊ KIÊN

Đó là nhận định của Chính phủ tại báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra sáng nay 3-9.

Trình bày báo cáo, thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết trong một năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 14.000 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, giảm so với năm 2018.

Xử lý tham nhũng "có nhiều tiến bộ"

Theo đánh giá của Chính phủ, các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, xác định tội danh, thu hồi tài sản…

Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

"Tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như vụ 3 cán bộ thuộc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc", ông Vương nói.

Vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, được Chính phủ nhận định là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự tại một số địa phương.

Tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp, điển hình là Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba môi giới bán nhiều dự án "ma" ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM; Công ty SANA LAND, Công ty Angel Lina ở TP.HCM môi giới, nhận đặt cọc mua đất, bán nền tại các dự án không có thật...

Cùng với đó, vi phạm trong việc giao đất để thực hiện dự án, bán các cơ sở nhà đất không qua đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến đất đai gây thất thu lớn ngân sách nhà nước; các vi phạm liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, áp giá tính tiền sử dụng đất, giao đất thực hiện dự án không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất diễn ra ở nhiều địa phương.

Báo động hành vi giết người dã man, tàn bạo

Tội phạm về trật tự xã hội tuy được kéo giảm nhưng số lượng vẫn rất lớn.

Ông Vương cho biết năm qua toàn quốc xảy ra hơn 39.700 vụ phạm pháp hình sự, trong đó một số loại tội phạm tăng như dâm ô trẻ em tăng gần 47%, giao cấu với trẻ em tăng gần 21%, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tăng hơn 16%, cưỡng đoạt tài sản tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng nói, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...).

Có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp - "ngáo đá" - gây ra, gây lo lắng trong nhân dân.

Một số vụ việc điển hình như vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo "ngáo đá" giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, bị thương 2 người là hàng xóm tại Nam Định; vụ Nguyễn Hoàng Nam "ngáo đá" chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP.HCM…

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng vẫn còn một số vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, cá biệt có trường hợp cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm, tội phạm, gây dư luận xấu.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đã ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước.

Theo LÊ KIÊN/tuoitre.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>