Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

27/11/2019 | 07:45 GMT+7

Góp ý xây dựng văn bản luật trên, thiếu tướng Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9, ĐBQH tỉnh Hậu Giang, bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Thiếu tướng Phạm Thành Tâm phát biểu đóng góp xây dựng luật.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản, ông Phạm Thành Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét và cần làm rõ nguồn thu của quỹ, cơ chế sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. 

Đại biểu này cũng nói, ở Điều 3 khoản 1 dự thảo quy định thiên tai và đã bổ sung thêm hiện tượng tự nhiên bất thường gồm: Gió mạnh trên biển và sương mù.

“Theo tôi, Ban soạn thảo cần phải xem xét, nghiên cứu và làm rõ thêm là nếu gió mạnh trên biển thì phải gió mạnh đến cấp độ nào để chặt chẽ và phù hợp hơn. Còn sương mù thì cần quy định cụ thể là sương mù dày đặc đến mức độ nào thì mới được xem là thiên tai để tránh tùy tiện khi vận dụng”, ông Phạm Thành Tâm trao đổi.

Về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai ở Điều 6 khoản 2 dự thảo, theo thiếu tướng, việc dự thảo sửa đổi, bổ sung xác định lực lượng dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt cùng với tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình phòng, chống thiên tai trong thời gian qua nhưng chưa đầy đủ nên đề nghị bổ sung thêm là lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.

“Tuy nhiên, để khi luật có hiệu lực thi hành có tính khả thi cao, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm để có quy định thống nhất về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong dự thảo với quy định của Luật Quốc phòng; đồng thời, quy định đối tượng được điều động, thẩm quyền được điều động cũng như chế độ, chính sách đối với lực lượng này cho phù hợp”.

Về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại Điều 24 khoản 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt), đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc”, ông Phạm Thành Tâm so sánh với luật hiện hành thì dự thảo đã thay đổi cụm từ “chính xác” bằng cụm từ “đủ độ tin cậy”. Vậy cần phải làm rõ “độ tin cậy” là như thế nào, đến mức nào thì mới được gọi là “đủ độ tin cậy”?

Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thời gian qua, luật hiện hành sử dụng cụm từ “chính xác”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp dự báo lại chưa chính xác đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của Nhân dân. Bên cạnh đó, khi dự báo sai thì có phải chịu trách nhiệm như thế nào hay không cũng chưa được làm rõ trong dự thảo luật. Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu làm rõ nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành”.

Đối với Quỹ phòng, chống thiên tai ở Điều 10 khoản 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định “Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, quản lý quỹ ở Trung ương; UBND cấp tỉnh thành lập, quản lý quỹ ở cấp tỉnh.

Theo ông Tâm, việc dự thảo quy định bổ sung nội dung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế thời gian qua để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta hiện nay.

“Song đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét và cần làm rõ nguồn thu của quỹ, cơ chế sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế quy định trong Luật Ngân sách nhà nước và về việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để đảm bảo phù hợp”, thiếu tướng Phạm Thành Tâm đóng góp.

T.THỨC - H.NGHỊ ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>