Rủi ro mua đất giấy tay

22/07/2020 | 08:03 GMT+7

Việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay, dẫu thiếu tính pháp lý song lâu nay vẫn diễn ra. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp, khiếu kiện.

Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xét xử vụ án giữa ông Đ. và ông H. về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành mở phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông H. và bị đơn ông Đ. cùng ngụ tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Nguyên nhân mâu thuẫn phát sinh từ việc trước đây, ông H. có nhận chuyển nhượng bằng giấy tay của ông Đ. một phần đất có diện tích 56 tầm với một cái bờ, một mương xuôi với giá chuyển nhượng là 5 chỉ vàng 24K, mục đích ông H. sử dụng làm đường đi và đường nước từ đất của mình xuống sông.

Tuy nhiên, từ trước đến nay hai bên vẫn chưa thực hiện việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng cũng như ông Đ. vẫn chưa chuyển tên phần đất đó cho ông H. Đến khi ông H. yêu cầu ông Đ. chuyển tên cho mình thì gia đình ông Đ. không đồng ý, từ đó hai bên phát sinh tranh chấp.

Thực tế trong công tác xét xử của tòa án cho thấy, các trường hợp tranh chấp như của ông Đ., ông H. không phải là hiếm. Điều đáng nói, dù đất đai, nhà cửa là tài sản có giá trị lớn, nhưng trong nhiều vụ việc khi phát sinh tranh chấp mới thấy rằng thủ tục mua, bán rất đơn giản.

Theo đó, nếu bên bán và bên mua thỏa thuận được giá cả sẽ làm hợp đồng mua bán bằng giấy viết tay, hai bên cùng ký tên và không qua cơ quan có thẩm quyền chứng thực, không đúng với quy định pháp luật. Những trường hợp này thường rơi vào người dân không am hiểu pháp luật, nhưng cũng có người dẫu biết việc mua bán này có nhiều rủi ro nhưng do ngại thủ tục hành chính hoặc giao dịch ngầm để tránh đóng thuế cho nhà nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

Ông Võ Văn Trường, hội thẩm Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, cho biết, hình thức mua bán trao tay, không qua công chứng, chứng thực rất khó kiểm soát vì đó được xem như giao dịch ngầm. Do không có công chứng, chứng thực, khi đưa ra xét xử sẽ không có căn cứ pháp lý để xem xét nội dung, tính xác thực của giao dịch. 

“Trong khi đó, hợp đồng đã được công chứng có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh. Khi xét xử những tranh chấp về hợp đồng của các bên, đối với hợp đồng đã công chứng, việc xét xử thuận lợi hơn nhiều”, ông Trường nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hiện nay, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay, không qua cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực là vi phạm về hình thức, thiếu tính pháp lý.

Với trường hợp này, nếu hai bên có tranh chấp khởi kiện ra tòa, tòa sẽ cho khoảng thời gian để hai bên thực hiện hợp đồng. Trường hợp hai bên không thực hiện, tòa sẽ đưa ra xét xử tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả là hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đồng thời căn cứ giá trị đất thời điểm hiện tại, tòa sẽ tính giá trị chênh lệch mà bên bán phải bồi thường cho bên mua.

Tuy vậy, thực tế khi phát sinh tranh chấp, việc giải quyết các trường hợp mua bán nhà, đất qua viết tay vô cùng rắc rối, phức tạp, thời gian kéo dài, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Người mua mỏi mệt với kiện tụng kéo dài. Nhiều trường hợp, tòa án đã thụ lý và đưa ra xét xử, bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng thi hành án vô cùng gian nan và người mua luôn ở thế yếu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, để tránh những trường hợp rủi ro khi mua bán nhà, đất, người dân nên tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực giá trị pháp lý của hợp đồng... đồng thời, thực hiện việc chuyển quyền sử dụng theo quy định để hạn chế rủi ro pháp lý phát sinh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>