Nỗ lực thi hành án dân sự

16/07/2020 | 08:36 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, số vụ việc các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh thụ lý, giải quyết tăng cả về số lượng, tính phức tạp. Do đó, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu được giao, ngành đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Lãnh đạo Cục THADS tỉnh báo cáo tiến độ thi hành án của ngành trong năm 2020 tại buổi làm việc với Tỉnh ủy.

Nếu so với chỉ tiêu do Quốc hội giao và Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS năm 2020 thì đến nay ngành THADS tỉnh đã thực hiện đạt 47,16%/80% về việc và 15,4%/38% về tiền.

Ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các cơ quan THADS trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp theo đúng trình tự, thủ tục quy định để tổ chức thi hành, song kết quả thực hiện trong những tháng đầu năm nay chưa cao, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo đó, hiện có 2 loại vụ việc rất khó thi hành án gồm thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; hai là vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Trong đó, số án tín dụng, ngân hàng phải giải quyết trong năm 2020 là 426 việc với số tiền trên 231 tỉ đồng.

“Cũng có thể kể thêm về công tác bán đấu giá tài sản trong THADS là giải pháp giúp giảm số vụ việc tồn đọng ở cơ quan thi hành án. Tuy nhiên trên thực tế, hiện toàn ngành có 63 vụ việc hiện đã bán đấu giá đến lần thứ 3 vẫn chưa có người mua tài sản đấu giá”, ông Lê Phước Toàn nhấn mạnh.

Để tháo gỡ án tồn nhiều năm, án không có điều kiện thi hành, cơ quan THADS tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó, cùng với các tổ chức tín dụng ngân hàng họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc với các loại tài sản đảm bảo. Đồng thời, Cục THADS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh rà soát, lập hồ sơ và đề nghị tòa án các cấp xét miễn, giảm đối với một số trường hợp là đối tượng đang chấp hành án phạt tù. Với những đối tượng chây ì, không tự nguyện thi hành, cơ quan THADS sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản.

Mặt khác, công tác chỉ đạo, theo dõi thi hành án được lãnh đạo ngành quan tâm sát sao. Lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã tiến hành sắp xếp, bố trí, phân công lại cán bộ lãnh đạo và chấp hành viên ở các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, chấp hành viên được chú trọng từ khâu phân loại án.

Tại Chi cục THADS huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, chi cục đã thụ lý giải quyết tổng số 1.060 việc. Trong đó, số lượng thụ lý mới là trên 390 việc, với tổng số tiền phải thi hành án lên đến hơn 70 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Chi cục THADS huyện Châu Thành, số lượng các vụ việc tồn đọng cao, cùng với số lượng thụ lý mới khá nhiều đã khiến số lượng án phải giải quyết của đơn vị là rất lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Kiếm Anh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Châu Thành, chia sẻ: Hiện nhiều vụ việc đã xử lý tài sản nhưng không có người tham gia đấu giá khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn nước rút của năm công tác, đơn vị sẽ tập trung mọi nguồn lực để tìm hướng tháo gỡ khó khăn đối với các vụ việc phức tạp.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số chi cục THADS trên địa bàn tỉnh, có thể nhận thấy năm 2020 là năm công tác thi hành án có nhiều thách thức, diễn biến phức tạp với các loại án liên quan đến tổ chức tín dụng, nợ hụi, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá không có người mua, đặc biệt do tình hình dịch Covid-19 ngay từ đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết án… Tuy nhiên, các đơn vị vẫn đang bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ, đồng thời tìm giải pháp từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao.

Theo ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, năm 2020, công tác thi hành án ở tỉnh có nhiều chuyển biến, nhưng cũng tồn tại không ít thách thức đối với ngành.

Để có thể giải quyết những khó khăn này, từ đây đến cuối năm, ngành THADS tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho công tác giải quyết án, qua đó chú trọng giải quyết những vụ việc có giá trị lớn, án trọng điểm, án tín dụng, ngân hàng. Chủ động phối hợp với cơ quan định giá, bán đấu giá và các bên đương sự giải quyết các vụ việc kê biên, bán đấu giá nhiều lần không có kết quả; xác định, phân loại án một cách chính xác, đồng thời tiến hành triển khai nhiều cao điểm thi hành án với quyết tâm cao nhất để ngành có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>