Những ưu tiên trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

23/02/2018 | 07:45 GMT+7

Chủ trương của Nhà nước Việt Nam hiện nay là phấn đấu bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân Việt Nam trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Tăng cường nhận thức về bình đẳng giới là một trong những ưu tiên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở nước ta.

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều văn kiện pháp lý của Việt Nam đã được ban hành với mục tiêu bảo đảm đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của người dân. Với định hướng như vậy, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung giải quyết những thách thức về vấn đề quyền con người và ưu tiên những vấn đề, lĩnh vực phù hợp với nguồn lực hiện có và điều kiện, tình hình cụ thể.

Theo đó, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt các quyền và tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý để thực hiện tốt các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như dân sự, chính trị, đồng thời xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm quyền con người.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Trong đó, chú trọng các chính sách giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Nhà nước cũng xác định khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Do đó, an sinh xã hội là giải pháp bảo vệ cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

Chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, Nhà nước đã đưa ra các chính sách quốc gia và sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục, hướng đến hai mục tiêu: Tăng tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở mọi cấp giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhà nước cũng ghi nhận tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Trong thời gian tới, sẽ tập trung các chính sách và chiến lược nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống buôn bán phụ nữ và các biện pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, là một trong những ưu tiên cao của Nhà nước, với nỗ lực trong thời gian tới sẽ tập trung vào các vấn đề giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, tăng cường hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS,…

Nhà nước cũng sẽ chú trọng tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có liên quan tới quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cam kết tham gia tích cực xây dựng và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác và xây dựng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ trương tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người và hợp tác với các nước, các tổ chức trên lĩnh vực nhân quyền nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người; đồng thời cung cấp cho các nước, các tổ chức và cộng đồng quốc tế nguồn thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>