Nâng cao chất lượng tiếp công dân

03/08/2020 | 08:06 GMT+7

Tiếp công dân là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước. Do đó, thời gian qua, công tác này luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp dân tại Ban Tiếp công dân tỉnh.

Theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 1.245 lượt với 1.318 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (so cùng kỳ giảm 428 lượt). Trong đó, tiếp thường xuyên 1.126 lượt công dân; lãnh đạo các đơn vị tiếp định kỳ, đột xuất 192 công dân.

Theo ông Tăng Minh Thêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, tiếp công dân là công việc đặc thù, là khâu đầu tiên trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, nếu làm tốt công tác tiếp công dân sẽ giảm tải được đơn thư, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan hành chính.

Được biết, trong những năm qua, công tác tiếp công dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết đạt hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Theo đó, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, cùng với thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Đến nay, tỉnh có 1 ban tiếp công dân; các huyện, thị, thành phố cũng đã thành lập ban tiếp công dân. Cùng với việc tiếp công dân hàng ngày của ban tiếp công dân cấp tỉnh, huyện, lãnh đạo các cấp còn thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ. Ở cấp tỉnh, hiện nay duy trì lịch tiếp công dân hàng tháng của lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Ở các địa phương, thực hiện theo Luật Tiếp công dân, lãnh đạo UBND cấp huyện tiếp công dân mỗi tháng 2 lần. Qua đó, tất cả các thông tin phản ánh của người dân qua công tác tiếp dân, đường dây nóng… đều được ghi nhận và xử lý theo quy định.

Thông qua hoạt động tiếp công dân, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Nhiều trường hợp, lãnh đạo UBND tỉnh nắm được tình hình, nguyên nhân khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo kịp thời các ngành chức năng, huyện, thành phố giải quyết dứt điểm, làm giảm bức xúc của người dân.

Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thuấn, ở ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, đến Ban Tiếp công dân tỉnh để phản ánh về giá đất bồi thường cho gia đình ông tại dự án Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3, thấp hơn so với giá đất thực tế. Tuy nhiên, qua gặp gỡ, trò chuyện, giải thích và tư vấn của cán bộ tiếp công dân và lãnh đạo tỉnh, ông Thuấn đã hiểu quy định về chính sách bồi thường và giá đất áp dụng nên không tiếp tục khiếu nại.

Theo bà Trần Thị Loan, Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người dân do không am hiểu các quy định pháp luật, hoặc quá trình giải quyết của các cơ quan, đơn vị chưa giải thích rõ, đầy đủ dẫn đến người dân phát sinh khiếu nại, phản ánh. Song qua việc tiếp công dân, đơn vị đã tư vấn, giải thích cụ thể cho công dân, đồng thời hướng dẫn và tiếp nhận các khiếu nại, phản ánh của người dân theo đúng quy định. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh theo đánh giá vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Số lượng đơn thuộc thẩm quyền giải quyết tại một số địa phương còn nhiều; việc giải quyết một số vụ khiếu nại còn để kéo dài quá thời gian quy định hay đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân còn hạn chế về trình độ, kỹ năng, nhất là ở cấp cơ sở...

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt. Điều này thể hiện qua số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm; tỷ lệ quyết định giải quyết khiếu nại bị sửa đổi thấp, đặc biệt, hạn chế phát sinh vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân; tăng cường đào tạo kỹ năng cho cán bộ làm công tác này, cũng như, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, qua đó đảm bảo trật tự kỷ cương, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013: Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm đón tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>