Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thẩm định văn bản

28/02/2020 | 08:22 GMT+7

Công tác kiểm tra, thẩm định, rà soát văn bản được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp tỉnh trong thời gian qua. Nhờ làm tốt công tác này mà chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Sở Tư pháp tỉnh tổ chức lớp tập huấn về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.

Hiện nay, hoạt động thẩm định là giai đoạn không thể thiếu trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND. Là cơ quan tham mưu, Sở Tư pháp đưa ra những đánh giá cơ bản và khách quan, giúp cơ quan soạn thảo biết được nội dung nào đúng, nội dung nào sai để kịp thời chỉnh sửa trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trần Phượng Quyên, công tác thẩm định VBQPPL luôn được sở chú trọng nâng cao chất lượng và gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành tư pháp tỉnh tổ chức thẩm định 70 lượt dự thảo VBQPPL và đề nghị xây dựng nghị quyết. Qua thẩm định, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 58 VBQPPL. Các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo đúng trình tự, thủ tục qua các khâu: Xây dựng dự thảo, lấy ý kiến góp ý, đăng toàn văn dự thảo, tổng hợp ý kiến tham gia góp ý, gửi Sở Tư pháp thẩm định, chỉnh lý lại dự thảo và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, từ đó nội dung văn bản được ban hành đúng quy định pháp luật và có tính khả thi cao.

Bên cạnh công tác thẩm định văn bản thì công tác kiểm tra, rà soát văn bản luôn được ngành chú trọng thực hiện. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác này, Sở Tư pháp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Thành lập các đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra văn bản trực tiếp tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Theo bà Trần Phượng Quyên, nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp quy, hàng năm, sở đều tham mưu tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, định kỳ 6 tháng, sở thực hiện việc kiểm tra đối với phòng tư pháp cấp huyện về công tác này.

Còn ông Ngô Bửu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành, chia sẻ: “Hàng nằm, Phòng Tư pháp huyện luôn đảm bảo công tác kiểm tra, rà soát 100% văn bản trước khi được ký ban hành, không để xảy ra tình trạng bị hủy, sửa; đối với các văn bản cấp xã, hương ước, quy chế cơ sở cũng được kiểm tra chặt chẽ. Nếu văn bản có sai sót sẽ tổ chức thẩm định và khắc phục ngay, đồng thời với các văn bản đã ký ban hành vẫn tiến hành thẩm định lại nhằm tránh sai sót”.

Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát nên việc xây dựng, ban hành văn bản pháp quy ở tỉnh từng bước nâng lên. Theo đó, các văn bản đều được soạn thảo và ban hành đúng trình tự, thủ tục quy định; tỷ lệ văn bản sai sót về nội dung không đáng kể, nếu có cũng được khắc phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác này tại một số cơ quan, đơn vị đôi lúc chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng có văn bản không còn phù hợp với văn bản cấp trên nhưng việc tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chưa kịp thời. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật vẫn còn khá hạn chế; trong công tác xây dựng văn bản, một số cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc khảo sát, đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan còn hình thức…  

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian tới, để công tác kiểm tra, xử lý văn bản tiếp tục đạt được hiệu quả cao, sở sẽ tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định VBQPPL trong năm 2020. Qua đó, quán triệt kịp thời Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan về công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về xây dựng, ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh

 

Điều 113: Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết

1. Cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định tại khoản này, việc lấy ý kiến có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

2. Khi lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 10 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo nghị quyết.

3. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>