Lối đi chung hay riêng ?

21/07/2020 | 05:57 GMT+7

Ông Tăng Vĩnh Lợi, ngụ ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, bức xúc cho rằng lối đi vào phần đất của ông là lối đi chung, nhưng bị ngăn cản bởi hộ dân có đất và nhà nằm ở vị trí bên ngoài. Mỗi hộ đều có lý lẽ riêng của mình, khiến việc tranh chấp lối đi kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. 

Ông Tăng Vĩnh Lợi cho biết để qua được phần đất canh tác phải di chuyển bằng xuồng, ghe, rất bất tiện.

Theo đơn phản ánh gửi đến Báo Hậu Giang, ông Lợi cho biết gia đình ông có phần ruộng, vườn và một căn nhà tọa lạc tại kênh Sáu Thước, thuộc ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn. Trước đây, việc đi lại chăm coi ruộng, vườn chủ yếu bằng xuồng ghe, sau khi nạo vét kênh đã bồi đắp cả tuyến kênh tạo thành lối đi dọc theo kênh cho các hộ sản xuất ở đây.

Dù là đường đất nhưng nhờ đó việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Một thời gian sau, ông Lợi cùng một số hộ dân khác mong muốn tráng xi măng con đường này để có thể nối liền từ kênh Sáu Thước đến kênh 7000, qua trao đổi các hộ đều thống nhất và sẵn sàng đóng góp tiền để mua vật tư làm đường.

Tuy nhiên, hộ của ông D., ở đầu kênh lại không đồng tình, ông D. có gần 80m giáp kênh Sáu Thước nhưng 60m là lối đi còn 20m ông D. rào chắn không cho đi. Muốn đi qua thì phải đi vòng phía sau nhà ông D., gây bất tiện cho các hộ khác.

Ông Lợi cho biết: “Phần lối đi này đã có nhiều năm từ khi kênh được nạo vét, gia đình tôi cùng với một số hộ khác vẫn đi lại thường xuyên. Tuy nhiên, mấy năm nay ông D. gây khó dễ việc đi lại nên các hộ bức xúc. Bản thân tôi năm nay đã 87 tuổi, nhưng mỗi lần về thăm vườn phải đi xuồng rất khó khăn”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng phần đất ông Lợi phản ánh nằm ngay cầu bắc qua kênh Sáu Thước. Theo quan sát, khu vực này ngoài nhà của ông D. còn khoảng 3 hộ dân sinh sống phía trong kênh. Một số hộ dân muốn qua phần đất canh tác chủ yếu sử dụng ghe, xuồng từ phía bờ đối diện để đi qua.

Vụ khiếu nại tranh chấp lối đi của các hộ dân diễn ra nhiều năm, đã được các ngành, đoàn thể ấp giải quyết nhưng không đạt kết quả. Sau đó, ông Lợi có đơn gửi đến UBND thị trấn Bảy Ngàn đề nghị can thiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, cho biết, hiện địa phương chưa xác định phần lối đi nằm dọc kênh có thuộc quyền sử dụng đất của hộ ông D. hay không. Tuy nhiên, hiện trạng thực tế phía trong tuyến kênh này có rất ít hộ dân sinh sống, còn qua hòa giải phía gia đình ông D. cũng không ngăn cản việc đi lại của các hộ khác.

 Vị lãnh đạo này cũng thông tin thêm, nguyên nhân việc tranh chấp phát sinh từ việc ông D. cho rằng nếu mở lối đi ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xung quanh khu vực nhà ông, bởi thực tế tại đây hiện có một số căn nhà bỏ hoang và các hộ phía trong chủ yếu có đất canh tác chứ không sinh sống. Thị trấn đã mời các bên tới làm việc để thỏa thuận lối đi, ban đầu các hộ cũng đồng ý việc tiếp tục sử dụng lối đi như trước, nhưng ít ngày sau lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về hướng giải quyết của địa phương, ông Phạm Thanh Phong cho rằng, mâu thuẫn giữa các hộ xảy ra đã lâu. Địa phương cố gắng giải quyết dứt điểm tranh chấp này nhưng không được. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục mời các hộ để trao đổi, tìm giải pháp khả thi, nếu các hộ tiếp tục không đồng ý địa phương sẽ hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua tại Điều 254, theo đó:

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 điều này mà không có đền bù.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>