Khi khiếu nại, công dân phải biết

21/08/2018 | 09:05 GMT+7

Khiếu nại là quyền của công dân, song để khiếu nại đúng cơ quan và theo dõi khiếu nại của mình được giải quyết như thế nào, công dân cần lưu ý một số điểm cần thiết.

Đơn và quy trình xử lý đơn của người dân gởi đến cơ quan chức năng.

Theo đó, chủ tịch UBND cấp xã và thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

Trong khi đó, chủ tịch UBND cấp huyện được giao quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại lần 2 đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Tương tự, thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. Giám đốc sở và cấp tương đương được giao quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; và giải quyết khiếu nại lần 2 đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Luật Khiếu nại hiện hành quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại lần 2 đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết. Đồng thời, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.

Về thụ lý giải quyết khiếu nại, quy định về khiếu nại quy định rõ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Các quy định của pháp luật hiện nay đã quy định khá rõ về đối thoại,  trong  giải quyết khiếu nại cũng vậy. Theo đó, quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

Trong đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Đồng thời việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Pháp luật về khiếu nại cũng quy định khi nhiều người cùng khiếu nại: Cụ thể, nếu nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại. Việc cử đại diện được thực hiện như sau: trường hợp có từ 5 đến 10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.

Với một số quy định khá rõ ràng, công dân có thể tham khảo để viết đơn yêu cầu cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết đúng thẩm quyền, tránh phải đi nhiều nơi hay gởi đơn nhiều chỗ phải mất thời gian và tốn kém; đồng thời thực hiện hiệu quả quyền giám sát của mình về giải quyết khiếu nại của cơ quan chức năng.

Nhiều người cùng khiếu nại một nội dung ở cấp huyện

Khi đó, thủ trưởng cơ quan nơi có người khiếu nại tập trung có trách nhiệm cử cán bộ hoặc trực tiếp tiếp đại diện của những người khiếu nại để nghe trình bày nội dung khiếu nại. Trường hợp vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Người phụ trách công tác tiếp công dân cấp huyện nơi có người khiếu nại tập trung có trách nhiệm: Chủ trì hoặc tham mưu cho chủ tịch UBND cấp huyện tiếp đại diện của những người khiếu nại; khi cần thiết, đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc khiếu nại và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại hoặc cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người khiếu nại. Đồng thời phải theo dõi, đôn đốc chủ tịch UBND cấp xã trong việc giải quyết khiếu nại do mình chuyển đến.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>