Hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

22/10/2019 | 07:22 GMT+7

5 năm qua, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, từ đó giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm.

Thành viên Tổ hòa giải khu vực 4, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tìm hiểu các văn bản pháp luật trước khi tham gia hòa giải.

Những người nhiệt huyết

Gần 10 năm làm Trưởng ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Út đã cùng với các hội, đoàn thể địa phương hòa giải hàng trăm vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân trong ấp. Ông Út cho hay mỗi năm, Tổ hòa giải ấp Thạnh Lợi thụ lý trên 10 vụ việc lớn, nhỏ với tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 95% trở lên. Nhờ vậy, đã giúp mọi người hiểu nhau, ứng xử có lý, có tình hơn.

Với vai trò thành viên Tổ hòa giải khu vực 4, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tiếng nói của Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 4 Huỳnh Thu Cúc thường được các bên tranh chấp lắng nghe và đồng thuận. Bà Cúc cho biết nhờ công tác ở khu vực hơn chục năm nên giữa bà và người dân nơi đây rất thân nhau. Đây cũng là lợi thế giúp cho bà hiểu được nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề phát sinh.

Nhất là khi giải quyết các mâu thuẫn, bà từ tốn chỉ rõ cái sai của từng người để đôi bên nhận ra rồi thông cảm, làm hòa với nhau. “Làm công tác hòa giải như “làm dâu trăm họ” nên mỗi khi người dân trong khu vực có chuyện lục đục, bất hòa thì tôi đều có mặt để nắm tình hình, làm rõ vấn đề nhằm tìm cách hòa giải kịp thời, hạn chế bức xúc kéo dài”, bà Cúc nói.          

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, hòa giải viên ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, làm công tác hòa giải để xóm làng yên bình, người dân trên địa bàn gắn kết với nhau hơn. “Nói thì đơn giản nhưng trên thực tế có không ít khó khăn khi đối mặt với những trường hợp người dân không thông cảm thì cho rằng mình xen vào chuyện riêng tư của gia đình họ. Trong khi các mâu thuẫn thường đa dạng và phức tạp nên phải tập trung nghiên cứu, nắm rõ, phân tích sự việc có lý, có tình thì mới đạt kết quả cao”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Lai, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, thông tin qua 5 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên cả về tổ chức và chất lượng, hoạt động hòa giải ngày càng phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.300 hòa giải viên, các thành viên tổ hòa giải cơ sở gồm: bí thư chi bộ, trưởng, phó ấp, trưởng ban công tác Mặt trận, đại diện các đoàn thể và người có uy tín ở địa phương… Chín tháng đầu năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành hơn 1.200 vụ việc thụ lý.

Còn không ít băn khoăn

Hòa giải ở cơ sở không chỉ giúp gia tăng tình đoàn kết trong cộng đồng mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Thực tế cho thấy, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực chính quyền địa phương trong giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Việt Phương, hoạt động của các hòa giải viên hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, đó là việc trang bị tài liệu cho đội ngũ này còn hạn chế, chỉ đáp ứng cho đối tượng được tập huấn nghiệp vụ hàng năm. “Nếu đầu tư 1 lần cho khoảng 3.000 hòa giải viên thì kinh phí sẽ rất lớn”, ông Phương đặt vấn đề.

Vì vậy, tỉnh trang bị dần từng năm cho đến khi tất cả tổ hòa giải và hòa giải viên đều được trang bị đầy đủ các loại tài liệu pháp luật cơ bản như: sổ tay hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai. Mặt khác, việc chi hỗ trợ hoạt động cho tổ hòa giải đôi lúc chưa kịp thời, có nơi chưa thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh vì không đủ kinh phí; thành viên tổ hòa giải thường xuyên thay đổi…

Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên khả năng bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa tương xứng. Đáng nói là nhiều nơi công chức tư pháp còn được phân công làm đầu mối hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã theo Luật Đất đai; kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… nên không có thời gian tập trung cho công tác hòa giải. 

Ông Đồng Việt Phương cho biết thời gian tới, sở sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng chất các tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt vào đầu tháng 11 tới, Sở Tư pháp sẽ tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2019 nhằm tạo sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, tạo sự gắn kết cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>