Hạn chế tai nạn giao thông bắt đầu từ ý thức

15/03/2019 | 08:29 GMT+7

Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng như thiệt hại do TNGT gây ra tại Hậu Giang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân phần lớn các vụ tai nạn và vi phạm bắt nguồn từ ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia.

Tăng cường tuyên truyền, tuần tra kiểm soát là một trong những giải pháp hạn chế TNGT.

Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy, năm qua, toàn tỉnh xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm 91 người chết, bị thương 54 người, thiệt hại tài sản gần 350 triệu đồng, so năm rồi tăng 1 tiêu chí (số người chết). Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 63 người chết và 74 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó 60% các vụ tai nạn xuất phát từ lỗi của chính người tham gia giao thông.

Nhiều nguyên nhân

Đại tá Nguyễn Văn Giá, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết nguyên nhân khách quan là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, kết cấu hạ tầng giao thông tuy thường xuyên được nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông của phương tiện. Đáng lo ngại hơn là nguyên nhân chủ quan - ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp.

“Qua theo dõi, tôi thấy rằng các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường dẫn đến TNGT chủ yếu là không làm chủ tốc độ, điều khiển phương tiện trong tình trạng đã say rượu, bia, tránh vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, không đội nón bảo hiểm… Và hiện hơn 70% số vụ tai nạn xảy là do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra”, đại tá Giá nhấn mạnh. 

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển xe máy là do đã có uống rượu, bia, không làm chủ tốc độ. Đáng lưu ý nữa là nhiều thanh thiếu niên chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn chở 3, 4 người phóng trên đường, lạng lách, đánh võng, gây mất an toàn giao thông (theo thống kê, có đến 20% người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe).

Còn ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết trước đây tai nạn giao thông thường xảy ra ở các khu vực thành thị thì nay ở vùng nông thôn tai nạn cũng xảy ra khá phổ biến với tính chất ngày càng nghiêm trọng. 

“Nhiều người lý giải do đường sá nhiều “ổ gà, ổ voi” nên dễ xảy ra tai nạn. Nhưng tôi cho rằng cái chính là do một vài năm trở lại đây số lượng xe tăng nhanh; do công tác nâng cấp đường bộ chưa đồng bộ, mặt đường thì tốt nhưng hẹp. Cùng với đó là có khá nhiều trường hợp người lái xe không nắm rõ luật, không hiểu tín hiệu giao thông, biển báo... cũng làm số vụ tai nạn giao thông tăng”, ông Lâm cho biết.

Giải pháp nào để hạn chế ?

Hàng năm, tỉnh vạch ra nhiều chương trình hành động, biện pháp cụ thể nhằm khắc phục nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Một trong những công tác chính thường xuyên được đẩy mạnh là tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức và tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, kết quả còn nhiều hạn chế. Đại tá Nguyễn Văn Giá cho biết thêm: “Để kiềm chế, kéo giảm TNGT, trước đây, chúng ta thường tập trung tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát. Tuy việc tuyên truyền có đổi mới về hình thức nhưng nội dung còn quá rộng, chủ yếu ở thành thị trong khi tỷ lệ TNGT ở nông thôn lại chiếm tỷ lệ cao…

Do đó, thời gian tới, ông Nguyễn Văn Giá cho rằng phải đẩy mạnh công tác này dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú hơn và đi sâu vào khu vực nông thôn. Cùng với đó, ngành sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra trên các tuyến đường tỉnh, huyện, đường liên xã; lực lượng công an cấp xã tăng cường tuần tra trên các tuyến đường xã, ấp kể cả các ngày cuối tuần.

Còn theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Ngọc Long, bên cạnh 2 nhóm giải pháp cơ bản như trên, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã triển khai thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Sở Giao thông vận tải cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chú trọng sơn vạch kẻ đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các nút giao đường bộ, các đoạn đường cong và các điểm tầm nhìn bị hạn chế chưa thể thực hiện giải pháp đầu tư cải tạo công trình; khắc phục điểm đen về TNGT trên các tuyến đường bộ do tỉnh quản lý, để hạn chế thấp nhất TNGT.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>