Giúp người lao động hiểu luật

06/09/2019 | 07:46 GMT+7

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động vẫn diễn ra tại các doanh nghiệp, do vậy, việc bảo vệ quyền lợi người lao động bằng hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật được xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn chính sách pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động làm việc tại Khu công nghiệp tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 50.000 người lao động đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ hơn 60%. Phần lớn lao động có tuổi đời trẻ, trình độ, nhận thức pháp luật không cao; nhiều trường hợp người lao động khi vào làm việc không có hợp đồng, điều kiện làm việc không đảm bảo nhưng cũng không biết bảo vệ quyền lợi của mình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Hiện người lao động chưa chủ động quan tâm tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Họ chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản khi đi làm ở công ty như tiền lương, ngày công lao động, thu nhập tăng thêm; những nội dung quan trọng về chế độ bảo hiểm, điều kiện lao động, môi trường lao động, an toàn vệ sinh lao động… thì họ chưa chú trọng, cũng không tìm hiểu sâu.

Làm việc tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú hơn 4 năm, chị Trần Thùy Linh, ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, vẫn khá mù mờ về các quy định dành cho người lao động.

Chị nói: “Làm ở đây có thu nhập ổn định nhưng thời gian nghiêm khắc lắm, ai không quen là làm không nổi đâu. Tôi làm ở đây hơn 4 năm rồi, chứng kiến nhiều công nhân bỏ việc vì không chấp hành được nội quy, giờ giấc. Tôi và nhiều công nhân cũng không biết những quy định đó có đúng Bộ luật Lao động hay không nhưng khi người lao động không tuân thủ theo sẽ bị trừ lương rất nặng”.

Còn chị Trần Thị Ngọc Thu, ở xã Đông Phước A, gắn bó hơn 6 năm với Công ty TNHH Lạc Tỷ 2, luôn tuân thủ kỷ luật lao động được công ty đặt ra, mặc dù vậy, các quy định liên quan đến người lao động chị vẫn chưa nắm rõ.

Chị Thu chia sẻ: “Do thời gian làm việc của tôi từ sáng đến chiều, về nhà lại phải chăm sóc con cái nên không có nhiều thời gian để tìm hiểu. Tuy vậy, mỗi khi có sinh hoạt hay tuyên truyền chính sách do công đoàn tổ chức là tôi đều tham dự, nghe cũng hiểu được một số quyền lợi của người lao động như được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, được nhận lương phải trên mức tối thiểu và mức thưởng theo Bộ luật Lao động; các quy định khác thì tôi chỉ biết sơ sơ”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, việc vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động có một phần do người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, một phần do chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động diễn ra ở một số nơi. Đâu đó ở vài doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại nếu người lao động biết nhiều sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi.

Một nguyên nhân nữa là do trình độ nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật của mạng lưới tư vấn cơ sở còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh cho rằng, một trong những giải pháp để thay đổi mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp theo hướng tích cực là phải nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động. Muốn thay đổi cần thiết phải có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng của người lao động. Từ đó hình thành ý thức, thái độ, tác phong làm việc tuân thủ kỷ luật, pháp luật…

Còn theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động theo hướng đa dạng hóa hình thức, nội dung phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, sở chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, tư vấn pháp luật…

 “Có am hiểu pháp luật lao động thì người lao động mới nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong công nghiệp. Qua đó, người lao động có thể tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân mình trong quá trình tham gia lao động”, ông Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>