Đóng góp dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Đề xuất điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng

19/09/2018 | 07:36 GMT+7

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 48 điều, trong đó bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014, vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Tại hội nghị, đa số các ý kiến đều đồng tình với việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Chính quy hóa lực lượng công an xã       

Cho ý kiến về Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy tại Điều 17, các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng lực lượng công an xã chính quy là cần thiết trong tình hình hiện nay. 

Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, là nòng cốt trong bảo vệ an ninh địa bàn xã. Hiện công an xã đang được giao nhiều thẩm quyền, trong đó có tạm giữ người, tố tụng hình sự như lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, nhân chứng, vật chứng,… Đây là những hoạt động vô cùng quan trọng trong giải quyết vụ án, vụ việc.

Cũng theo đại tá Nguyên, thời gian qua, hoạt động của lực lượng công an xã nhiều nơi còn tồn tại một số hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do quá nhiều nhiệm vụ, vụ việc phức tạp, thẩm quyền lớn trong khi yêu cầu năng lực của lực lượng này cũng như điều kiện đảm bảo chính sách còn bất cập.

“Để nâng cao chất lượng hoạt động thì việc xây dựng công an xã thành chính quy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện chính quy công an xã một cách cụ thể và có các chế độ chính sách thỏa đáng nhằm ổn định bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn”, đại tá Nguyên nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, phân tích, thực tiễn cho thấy, tình hình an ninh ở nông thôn ngày càng tiềm ẩn bất ổn,  nhưng công an xã còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Để khắc phục tình trạng như vừa nêu thì việc xây dựng lực lượng công an cấp xã chính quy là cần thiết. Thế nhưng, cần cân nhắc lộ trình để từng bước chính quy, tránh xáo trộn lực lượng công an xã hiện nay.

Giám đốc công an tỉnh sẽ có hàm thiếu tướng ?

Về cấp hàm cao nhất với giám đốc công an tỉnh, đại tá Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Công an huyện Châu Thành A, ủng hộ quy định giám đốc công an tỉnh có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng.

Vì theo phân loại đơn vị hành chính thì cả nước có 11 địa phương loại I, tương ứng với 11 giám đốc công an tỉnh được phong hàm tướng. Tuy nhiên, tỉnh loại I phụ thuộc vào các tiêu chí về quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, biên giới, dân tộc, không căn cứ vào tình hình an ninh trật tự.

Cũng theo đại tá Thành, các chức danh cục trưởng và giám đốc công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển. Ngành công an cũng đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, nhất là trong thời gian tới, giám đốc công an tỉnh có thể quy hoạch đến chức vụ thứ trưởng.

Do đó, dự thảo luật nên quy định theo hướng giám đốc công an các tỉnh được phong hàm cao nhất là thiếu tướng. “Theo tôi, điều này là hợp lý và sẽ không làm tăng số lượng cấp tướng trong công an nhân dân”, đại tá Nguyễn Xuân Thành lý giải.

Còn trung tá Phạm Hoàng Vũ, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho rằng, qua thực tiễn cho thấy việc phong thăng hàm cấp tướng đã và đang được thực hiện nhưng dư luận cũng có ý kiến khác nhau.

Về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, nếu nhìn trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự vênh nhau. Bởi khi xảy ra chiến tranh thì chỉ huy trưởng chỉ huy thống nhất, công an tham gia phối hợp nhưng giám đốc công an mang hàm cấp tướng, trong khi chỉ huy trưởng chỉ là đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao là chưa phù hợp.

“Nếu giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để tương ứng. Trường hợp sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn, tôi nghĩ rằng cử tri không đồng tình”, trung tá Phạm Hoàng Vũ nêu quan điểm.

Trước ý kiến về quy định trần quân hàm đối với giám đốc công an tỉnh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng, cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của từng cá nhân. Còn giám đốc hay thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công.

“Theo tôi, nên quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng, còn phân công người đó vào việc nào là tùy thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ”, ông Bé đề xuất.

Điều chỉnh thời gian thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân

Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), thời hạn phục vụ tại ngũ của công dân trong lực lượng công an nhân dân sẽ được điều chỉnh giảm còn 24 tháng so với hiện nay là 36 tháng. Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, trong một số trường hợp, Bộ trưởng Bộ Công an được quyền quyết định việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân nhưng không quá 6 tháng.

 

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>