Đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích

07/08/2020 | 04:58 GMT+7

Thời gian qua, tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc với tính chất côn đồ, phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Một đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích tại cơ quan công an.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan tố tụng tỉnh phát hiện 146 vụ tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trong đó, tội phạm cố ý gây thương tích là 33 vụ/49 bị can...

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác thường xếp sau tội trộm cắp tài sản về số vụ, song lại phức tạp hơn về tính chất và để lại hậu quả nặng nề. Trong đó, đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 16-40 với nhiều vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn rất đơn giản.

Đơn cử như vào ngày 21-3, trên địa bàn huyện Vị Thủy, do mâu thuẫn từ trước đó nên một nhóm thanh niên dùng dao, ống tuýp, cây gỗ tấn công gia đình ông Ngô Văn Chính và Ngô Văn Lil, Ngô Thị Rông (ngụ tại ấp 7A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy). Hậu quả khiến ông Chính, ông Lil bị thương nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đến ngày 22-3, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định được nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có khoảng từ 6-7 đối tượng, trong đó có Nguyễn Thanh Tiềng. Khi lực lượng chức năng đến nhà để mời Tiềng về xác minh, làm rõ vụ việc thì người thân của Tiềng còn có hành vi chống đối, cản trở, dùng điện thoại di động quay video, phát trực tiếp trên mạng xã hội, buộc cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Hay trước đó vào ngày 24-1, đối tượng Lê Hoàng Khang, ngụ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đi đến nhà anh ruột của mình ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ chơi thì gặp anh Lê Thành Công. Lúc này, Khang rủ anh Công đi nhậu thì được anh Công đồng ý.

Trên đường cả hai cùng đi bộ, khi đến nhà của ông Danh Mẫn, ngụ cùng ấp thì Khang nhớ lại trước đó có đến nhà ông Mẫn chơi nhưng khi về thì cây cầu bắc qua mương gần nhà anh Công bị rút không qua được; Khang nghi ngờ do anh Công rút cầu không cho mình đi nên tức giận… Sau đó, Khang dùng tay đánh và dùng dao chém làm anh Công bị thương phải chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để điều trị với tỷ lệ thương tích là 6%. 

Theo ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, hiện nay, tội phạm xâm phạm sức khỏe người khác như các trường hợp trên ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là trong bộ phận thanh thiếu niên.

“Đặc điểm chung của loại tội phạm này là diễn ra nhanh, bất ngờ, hậu quả khó lường. Và đáng lưu ý, trong một số vụ, các hung thủ không chỉ thực hiện hành vi một mình mà còn kích động nhiều đối tượng tham gia, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn và giải quyết tới cùng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm xâm phạm sức khỏe người khác trong những năm qua, tuy nhiên một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp là do công tác phòng ngừa xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ người dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm, triệt để, kéo theo âm ỉ dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, giết người…

Bên cạnh đó, sự du nhập của những hình ảnh bạo lực thông qua mạng internet đã dẫn đến thái độ xem thường sức khỏe người khác, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi chỉ vì một hiềm khích nhỏ không được can ngăn cũng dẫn đến hành động phạm tội mà hậu quả để lại rất nặng nề cho gia đình và xã hội.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, để công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm sức khỏe người khác có hiệu quả, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, Công an tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó đã tổ chức tuyên truyền 57 cuộc, với trên 4.040 lượt người tham dự về tội phạm cố ý gây thương tích. Phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với nhóm tội xâm phạm sức khỏe người khác, tăng cường xét xử công khai, nhất là các vụ án điểm. Cùng với đó, thường xuyên gọi hỏi, răn đe đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội nguy hiểm, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng… 

“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan tiến hành tố tụng, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; và trên hết mỗi công dân cần có ý thức xử sự tuân thủ quy định pháp luật thì mới có thể hạn chế loại tội phạm này”, đại tá Nguyên khẳng định.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên; dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội 2 lần trở lên; phạm tội đối với 2 người trở lên; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>