Đảm bảo hiệu quả công tác hộ tịch

02/10/2019 | 05:26 GMT+7

Hộ tịch là những sự kiện quan trọng, xác định tình trạng nhân thân của mỗi cá nhân từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Chính từ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Hậu Giang luôn có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ trong triển khai, thực hiện các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến công tác hộ tịch một cách hiệu quả.

Công dân đến đăng ký hộ tịch tại Sở Tư pháp.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Hộ tịch là việc Nhà nước đăng ký và quản lý các sự kiện nhân thân của cá nhân, bao gồm khai sinh, kết hôn, ly hôn, nhận nuôi con nuôi, giám hộ, nhận cha mẹ, con; khai tử, thay đổi, cải chính hộ tịch. Những sự kiện hộ tịch cơ bản này luôn diễn ra từng ngày, từng giờ, đòi hỏi phải được pháp luật công nhận”.

Theo Sở Tư pháp, những năm qua, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước đi vào nề nếp, ổn định. Các cơ quan đăng ký hộ tịch đã giải quyết và đăng ký kịp thời những sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa phương, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Điều này thể hiện qua tỷ lệ đăng ký hộ tịch đã tăng lên, các cặp vợ chồng đều đăng ký kết hôn theo quy định, trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh (đạt 98%). Hiện tượng người dân tự ý tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ hộ tịch giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai ứng dụng phần mềm hộ tịch từ cấp tỉnh đến 76 xã, phường, thị trấn bảo đảm việc đăng ký và quản lý hộ tịch được thông suốt, cập nhật kịp thời.

Tại huyện Châu Thành, ông Ngô Bửu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết, qua gần 4 năm thực hiện Luật Hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện từng bước ổn định. Người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên đã tự giác đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định.

“Đến nay, chúng tôi đã cơ bản khắc phục tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây”, ông Thiện chia sẻ.

Còn theo ông Võ Bảo Lộc, Phó trưởng Phòng Tư pháp thị xã Ngã Bảy, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch qua thời gian triển khai đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và cải cách tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.   

Đơn cử như việc ghi chép sổ hộ tịch, quản lý hồ sơ, công tác lưu trữ tại cơ sở được thực hiện đúng quy định. Hệ thống sổ sách được đánh số theo từng năm, từng địa phương nên việc tra cứu thông tin được thuận lợi, khoa học. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt nội dung như trước đây.

Tuy vậy, việc thi hành Luật Hộ tịch và các quy định có liên quan tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Ông Võ Bảo Lộc cho rằng, trong thực tiễn, các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng.

“Có những trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân... nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp chưa có quy định điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân phát sinh những vướng mắc, khó khăn”, ông Lộc chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Tư pháp, mặc dù Luật Hộ tịch đã được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất và đạt được những kết quả tích cực, song thực tiễn vẫn luôn phát sinh vấn đề phức tạp. Nhiều nhất là việc xác nhận tình trạng hôn nhân, khai sinh, việc thay đổi họ, tên... khi dữ liệu hộ tịch lưu trữ tại các cơ quan quản lý không còn và cũng không có cơ sở thực tế để xác minh. Vì vậy, yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân chưa được giải quyết kịp thời.

Mặt khác, theo ông Đồng Việt Phương, các ngành liên quan dù đã có sự phối hợp trong thi hành luật nhưng đôi khi vẫn chưa thống nhất.

“Đơn cử như một số nơi không căn cứ vào giấy khai sinh gốc để điều chỉnh các thông tin (trong trường hợp thông tin giữa giấy khai sinh và các giấy tờ khác không thống nhất - PV) mà buộc công dân phải cung cấp thêm quyết định cải chính hộ tịch, điều này gây khó khăn cho công dân”, ông Phương nói.

Ông Phương cũng cho biết thêm, với những vướng mắc có tính chất phổ biến, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh có đề xuất, kiến nghị Trung ương có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, về phía các địa phương, trong thời gian tới, cần chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn. Qua đó nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật và kịp thời có biện pháp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>