Chuyển biến trong hoạt động luật sư

09/08/2019 | 07:36 GMT+7

Sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”, đến nay, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.

Luật sư tham gia tranh tụng tại một phiên tòa.

Đội ngũ này đã có đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngày 30-3-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và người dân về vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư. Sau gần 10 năm triển khai thi hành Chỉ thị 33, vai trò của đội ngũ luật sư ngày càng được khẳng định trong hoạt động tố tụng.

Theo Đoàn Luật sư tỉnh, đến nay, toàn tỉnh hiện có 19 luật sư đang hành nghề tại 6 tổ chức hành nghề luật sư (tăng 12 luật sư và 2 tổ chức so với năm 2009). Từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi năm đội ngũ luật sư tham gia từ 50-70 vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động... để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của đương sự, cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, Đoàn Luật sư tỉnh hiện có 19 luật sư là cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh; thường xuyên cùng trung tâm tham gia TGPL, tư vấn pháp luật cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh Thy, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, chia sẻ: Trong hoạt động tố tụng hình sự, luật sư có chức năng gỡ tội cho bị can, bị cáo và luôn đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Về mặt ý nghĩa pháp lý, vấn đề này lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật, tránh được cái nhìn phiến diện, một chiều trong quá trình tố tụng. Ngoài ra, đối với giải quyết các tranh chấp dân sự, việc tham gia, tư vấn cho đương sự của đội ngũ luật sư cũng góp phần hạn chế và hòa giải các tranh chấp của người dân.

Còn ông Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết: “Những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị 33 của Ban Bí thư, Đoàn Luật sư tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên và quần chúng. Nhờ đó, phần lớn luật sư đều vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp khi tham gia hoạt động hành nghề”.

Đặc biệt, từ sau Đại hội Đoàn Luật sư nhiệm kỳ 2013-2018, Đoàn Luật sư tỉnh đã đi vào hoạt động nề nếp, thực hiện tốt hơn cơ chế tự quản kết hợp với quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Đoàn Luật sư tỉnh thường xuyên cử luật sư thành viên đi tập huấn kỹ năng hành nghề luật sư, kỹ năng tư vấn, tranh tụng... do Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư hiện cũng được quản lý và giám sát một cách chặt chẽ.

Hàng năm, Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư đều phối hợp tiến hành kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm của các tổ chức, cá nhân hành nghề. Từ năm 2009 đến nay, các cơ quan quản lý đã tiến hành trên 10 cuộc kiểm tra đối với hoạt động này.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít về số lượng, một số luật sư còn hạn chế về kỹ năng tranh tụng, kỹ năng hành nghề, chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến pháp lý. Ngoài ra, trong chừng mực nào đó thì hoạt động luật sư còn bị động và lệ thuộc nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của người có nhu cầu.

Theo luật sư Phan Văn Hùng, để khắc phục những khó khăn trên, trong giai đoạn hiện nay, với mỗi luật sư, nhất là luật sư trẻ phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; đồng thời phải thông thạo ngoại ngữ, am hiểu nhiều lĩnh vực, nắm vững kỹ năng tư vấn và tranh tụng. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư.

Cũng theo ông Hùng, với vai trò, vị trí của đội ngũ luật sư và xu hướng phát triển của hoạt động pháp lý hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đạt số lượng trên 20 luật sư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, đảm bảo cơ chế để luật sư có thể tham gia vào đầy đủ các giai đoạn tố tụng; hướng đến việc phát triển số lượng các tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với nhu cầu xã hội về dịch vụ pháp lý.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>