Chấp hành nghiêm pháp luật để có cái tết trọn vẹn

23/01/2017 | 08:54 GMT+7

Đánh bài, dễ sa vào vi phạm pháp luật

Ngày tết, đánh bài, đá gà, chơi lô tô hay lắc bầu cua là hoạt động giải trí phổ biến tại nhiều gia đình hoặc trong nhóm bạn bè. Tuy nhiên, nếu lạm dụng loại hình giải trí này có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, bị truy cứu về tội đánh bạc.

Công an xã Đông Phú, huyện Châu Thành tuyên truyền, nhắc nhở một số đối tượng có hành vi đánh bạc trên địa bàn trong thời điểm cận tết.

Theo luật sư Trần Văn Độ, Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân, quy định hiện nay về hành vi đánh bạc trái phép được hiểu là hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép.

Còn Nghị định 167/2013 quy định các hình thức như chơi xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác ăn thua bằng tiền, hiện vật thì được xem là hành vi đánh bạc.

Theo đó, việc đánh bạc ăn thua bằng các hình thức với giá trị dưới 5 triệu đồng có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 10-50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trên thực tế, với hình thức đánh bài, chơi lô tô hoặc các hình thức tương tự khác giữa những người trong gia đình, bạn bè nhưng không đặt cược thắng thua bằng tiền, hiện vật thì hành vi đó không vi phạm pháp luật. 

Không nên lạm dụng rượu, bia

Sử dụng rượu, bia trong ngày tết được xem là thói quen của nhiều người, nhất là trong các dịp lễ, tết lại càng khó từ chối bạn bè, họ hàng. Tuy nhiên, khi say rượu lại dễ mắc phải các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đại tá Đặng Thanh Giang, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết: “Tết là khoảng thời gian các loại tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp. Trong đó, các hành vi phạm tội phổ biến là gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cố ý gây thương tích, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông…”.

Nhiều người cho rằng, khi say rượu, con người không thể điều khiển được hành vi, để xảy ra việc vi phạm pháp luật thì nên được xem xét giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo Điều 14 Bộ luật Hình sự hiện hành thì việc phạm tội trong tình trạng say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như trong trạng thái bình thường.

Bên cạnh đó, một lỗi vi phạm hành chính thường xảy ra phổ biến trong dịp tết là điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định. Với lỗi này, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 4 triệu đồng đối với xe gắn máy và 18 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện là ôtô.

 Trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ trốn hoặc gây tai nạn do say rượu có thể bị xem xét xử lý theo Điều 202 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ 3-10 năm tù.

Vui xuân đón tết trong an toàn

Để có thể vui xuân đón tết trong an toàn, phòng tránh được việc vi phạm pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà còn từ chính ý thức của người dân trong việc phòng, chống các loại tội phạm.

Theo khuyến cáo của đại tá Đặng Thanh Giang, để phòng tránh tình trạng mất trộm tài sản trong dịp tết, người dân cần nêu cao tinh thần, ý thức tự giác trong việc bảo quản tài sản của mình. Qua đó, nếu có điều kiện có thể trang bị camera, phương tiện báo động, chống trộm hiện đại để trông giữ tài sản. Điều cần lưu ý là khi tham gia các lễ hội, không nên mang theo nhiều nữ trang lòe loẹt vì dễ bị cướp giật. Đồng thời, khi sử dụng rượu, bia cần có giới hạn; nếu có mâu thuẫn xảy ra phải biết kiềm chế và báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không nên tự giải quyết vì khi không làm chủ được bản thân sẽ dễ dẫn đến hành vi đánh nhau gây thương tích…

Ngoài ra, trong dịp tết người dân cũng nên chọn các hình thức vui chơi an toàn, tiết kiệm và lành mạnh, không tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội như đá gà, đánh bài ăn tiền, đánh đề… Chú ý việc giáo dục, quản lý con em không để rơi vào các tệ nạn xã hội và nếu phát hiện có đối tượng khả nghi hay hành vi phạm tội cần liên hệ ngay với cơ quan công an gần nhất để tiến hành đấu tranh, triệt phá.

Đốt pháo vào ngày tết cũng là hành vi vi phạm pháp luật

Nghị định 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo quy định, nghiêm cấm việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo, pháo hoa. Đối với hành vi sử dụng trái phép các loại pháo có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>