Các hình thức hòa giải theo quy định pháp luật

21/05/2018 | 07:49 GMT+7

Pháp luật nước ta hiện nay quy định có khá nhiều hình thức hòa giải khác nhau như: Hòa giải trong tố tụng dân sự của tòa án; hòa giải trong tố tụng trọng tài; hòa giải tranh chấp lao động; hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường, thị trấn; hòa giải ở cơ sở...

Một buổi hòa giải theo thủ tục dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A.

Hòa giải trong tố tụng dân sự của tòa án là thủ tục trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động, trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải; không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Trong quá trình hòa giải theo thủ tục dân sự, trường hợp các đương sự thống nhất thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì tòa án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được chánh án tòa án phân công sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trong khi đó, hòa giải tranh chấp lao động được hội đồng trọng tài lao động hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện tiến hành khi có tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động; về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể và trong quá trình học nghề giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Thẩm quyền và trình tự hòa giải tranh chấp lao động được quy định tại Bộ luật Lao động. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, các bên tranh chấp có thể thương lượng, tự hòa giải hoặc đề nghị trọng tài giúp các bên hòa giải.

Nếu các bên thông qua hòa giải giải quyết được tranh chấp thì có thể yêu cầu trọng tài viên xác nhận sự thỏa thuận đó bằng văn bản, lập biên bản hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các bên. Văn bản này có giá trị như quyết định trọng tài, có hiệu lực thi hành và không bị kháng cáo.

Ngoài hai hình thức hòa giải trên thì hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường, thị trấn cũng là một hình thức hòa giải khá phổ biến. Đây là việc hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp đối với các tranh chấp về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai như sau: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở; tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải; chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình…

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai...

Còn đối với hòa giải ở cơ sở, khác với các loại hình hòa giải trên, hòa giải ở cơ sở xuất phát từ đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý dân tộc. Trong quan hệ đời sống, người dân quen sống với các mối quan hệ xóm, ấp, huyết thống ràng buộc nhau một cách chặt chẽ, do đó họ rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm. Vì vậy, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp…

Điều 2, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật…”.

Tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Theo đó, đối với hòa giải ở cơ sở, nếu đủ các điều kiện theo quy định và có đơn yêu cầu thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa. Quyết định này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định công nhận của tòa án, các bên phải tự nguyện thi hành thỏa thuận của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của tòa.

Hết thời hạn này, bên phải thực hiện nghĩa vụ có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế, bên có quyền được nộp đơn yêu cầu thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Đ.B tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>