Bảo vệ pháp luật giai đoạn xét xử

25/04/2018 | 08:47 GMT+7

Thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng trong tố tụng hình sự; thực hành đúng, đủ theo nhiệm vụ, quyền hạn và trên cơ sở chứng cứ hợp pháp thì bản án được ban hành đúng đắn, thuyết phục. Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã quan tâm đúng mức công tác này nhiều năm qua nên góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Lữ Văn Hùng (trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trao cờ thi đua của Viện trưởng Viện KSND tối cao cho Viện KSND tỉnh.

Thực hiện đúng các quy định

Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự nhằm thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội được xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội…

Theo đó, với nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự là công bố bản cáo trạng quyết định truy tố; tham gia xét hỏi, luận tội, tranh tụng, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa và kháng nghị bản án, quyết định của tòa án,… đều được VKSND tỉnh và kiểm sát viên thực hiện đúng quy định, kịp thời.

Để có sự chủ động, trước khi tham gia xét hỏi, luận tội, tranh tụng, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, kiểm sát viên đơn vị rất quan tâm nắm chắc các tình tiết vụ án. Đó là nắm toàn bộ hoạt động điều tra, nắm cả những hạn chế; hay thông qua kiểm sát điều tra vụ án và việc nghiên cứu hồ sơ, xem xét tại chỗ các vật chứng, gặp bị can, người bị hại, người làm chứng, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự,… kiểm sát viên dự báo được các tình huống có khả năng phát sinh tại tòa để chuẩn bị đề cương xét hỏi, trong đó chú ý dự báo cả việc có thể bị cáo chối tội, phản cung và những người tham gia tố tụng có thể khai tại phiên tòa khác với lời khai trước đó.

Ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết, khi kiểm sát viên dự liệu được các tình huống phát sinh theo hướng bị cáo phản cung, chối tội hoặc phát sinh tình tiết mới thì sẽ chuẩn bị được những nội dung, căn cứ gì để phản bác hay chấp nhận.

Ngoài ra, theo ghi nhận thì kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm khi tham gia phiên tòa còn thực hiện tốt việc xây dựng đề cương xét hỏi để làm rõ các tình tiết gỡ tội cho bị cáo. Tình tiết gỡ tội không mâu thuẫn với chức năng buộc tội mà chúng bổ sung cho nhau, bởi vì chỉ khi nào xác định được tất cả các tình tiết gỡ tội thì mới buộc tội đúng. Và với việc tham gia xét hỏi của kiểm sát viên tại phiên tòa làm cho những luận điểm trong cáo trạng được chứng minh công khai; là tiền đề cho việc luận tội của kiểm sát viên có tính thuyết phục.

Năm 2017, Viện KSND tỉnh thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự với 23 vụ/34 bị cáo (tăng 7 vụ/11 bị cáo so năm trước), qua theo dõi, ghi nhận tòa án đã trực tiếp giải quyết 18 vụ/27 bị cáo, trong đó, tòa xét xử 15 vụ/19 bị cáo; đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa ra xét xử lưu động 1 vụ, xét xử rút kinh nghiệm 6 vụ. Quý I/2018, đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự sơ thẩm 9 vụ/14 bị cáo; tòa án đã xử lý, giải quyết 2 vụ/2 bị cáo… Không có án quá hạn luật định.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh, cho biết, từ năm 2017 đến hết quý I/2018, công tác này của đơn vị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; không có trường hợp nào Viện KSND tỉnh truy tố tòa tuyên không phạm tội và tòa án tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại do có trách nhiệm của kiểm sát viên.

“Cũng từ việc kiểm sát kỹ, chuẩn bị nhiều mặt đã giúp việc bảo vệ cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh tốt hơn, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm”, ông Liêm nói thêm.

Song song đó, những nhiệm vụ, quyền hạn gắn liền với công tố trong xét xử cũng được Viện KSND tỉnh chú trọng làm tốt. Đó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử các vụ án hình sự của tòa án; kiểm sát bản án, quyết định của tòa án; kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; yêu cầu tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị bản án, quyết định của tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng...

Độc lập nhưng phối hợp chặt chẽ

Lãnh đạo Tòa hình sự TAND tỉnh thông tin như vậy và cho biết điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đơn vị này, nhiều năm qua, án hình sự sơ thẩm thuộc quyền giải quyết của tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc để giải quyết đúng luật.

“Theo quy chế liên ngành, những vụ án hình sự lớn, có nhiều tình tiết phức tạp thì 3 cơ quan công an, viện KSND và tòa án đều ngồi lại bàn với nhau để thống nhất quan điểm về tội phạm chứ không bàn để thống nhất về hình phạt cụ thể như thế nào”, ông Nguyễn Hồ Tâm Tú, Chánh Tòa hình sự TAND tỉnh, nói.

Nhấn mạnh thêm về sự phối hợp trên, lãnh đạo tòa hình sự kể về việc có ý kiến khác nhau trong thực nghiệm điều tra (ban đêm hay ngày) vụ án giết người, đốt xe xảy ra ở huyện Châu Thành A. Và khi có ý kiến cho rằng nên thực nghiệm đúng thời gian xảy ra tội phạm để có sự đánh giá chuẩn xác về vụ án thì các cơ quan chức năng thống nhất.

Về hồ sơ vụ án hình sự khi Viện KSND tỉnh chuyển tòa để truy tố, theo đánh giá của TAND tỉnh, đại đa số cáo trạng truy tố đều đủ điều kiện xét xử, rất ít sai sót. Nếu có những lỗi nhỏ thì các bên ngồi lại trao đổi để bổ sung, khi nào thật sự cần thiết thì mới trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điều này cũng nhằm thực hiện có chất lượng hơn quy chế phối hợp liên tịch.

Thẩm phán Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, TAND tỉnh, nói: “Không có trường hợp Viện KSND tỉnh đề nghị khung hình phạt này mà hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên khung khác; cũng 2-3 năm rồi không có bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh bị kháng nghị, kiến nghị từ Viện KSND tỉnh”.

Kết quả trên xuất phát từ công tác phối hợp, trao đổi lẫn nhau về các vụ án hình sự thuộc quyền của các đơn vị cơ quan tiến hành tố tụng (sơ thẩm). Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hồng Thanh, điều đó không làm mất đi vai trò xét xử độc lập của hội đồng xét xử, vì tòa án xét xử trên cơ sở chứng cứ, lời khai, tình tiết, từ ý kiến tranh tụng tại tòa.

“Cụ thể trước đó, TAND tỉnh đã quyết định đưa ra xét xử vụ án xảy ra ở Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang nhưng sau khi xem xét các tình tiết vụ án và xét hỏi tại tòa, hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ cho viện KSND cùng cấp điều tra bổ sung. Đó là sự độc lập chứ không phải xét xử những gì cơ quan kiểm sát truy tố”, ông Tâm Tú nói.

Ông Trần Quang Khải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết thêm, chính sự phối hợp chặt, chuẩn bị chu đáo đã tạo ra sự chủ động cao trong xử lý án, nhất là đối với những vụ án có nhiều bị cáo, tình tiết phức tạp; bị cáo lúc nhận, lúc không nhận tội, hay lời khai của các bên không thống nhất, bị cáo cho rằng xét xử oan, sai; không công bằng.

“Đội ngũ kiểm sát viên làm công tác kiểm sát các vụ án hình sự ở Viện KSND tỉnh cũng thường được trau dồi kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp, vì vậy luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với cơ quan chức năng; quan điểm rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định trong từng vụ án nên án hình sự ở tỉnh được kiểm sát chặt trong tất cả các khâu. Và chúng tôi thống nhất rằng, hội đồng xét xử giải quyết vụ án hình sự chỉ tuân theo pháp luật, viện KSND thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử của tòa án tuy có thể gọi là kiểm sát quá trình chấp pháp của tòa, song sự độc lập là nguyên tắc Hiến định đảm bảo quyền lực của các cơ quan tư pháp và sự độc lập phải đảm bảo đúng quy định pháp luật về tố tụng hình sự cũng như các văn bản hiện hành liên quan”, ông Khải khẳng định.

Từ năm 2017 đến nay, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh nhận thấy các cơ quan tư pháp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, đáp ứng được công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Bên cạnh những mặt làm được cũng còn một số hạn chế như: Một vài trường hợp còn chậm tiến hành kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc lập biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và biên bản bắt người phạm tội quả tang là chưa đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (cơ quan cảnh sát điều tra); gửi bản án cho viện KSND cùng cấp chưa tuân thủ đúng quy định về thời hạn theo luật định (TAND cấp sơ thẩm). Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã ban hành 7 văn bản kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm.

 

Nâng cao hơn nữa hoạt động kiểm sát

Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh cho biết, trong quý II/2018, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các ban ngành có liên quan kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự; tập trung kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nâng cao hơn nữa hoạt động kiểm sát điều tra để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; không để xảy ra đình chỉ điều tra vì không phạm tội.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>