Vui xuân không quên chuyện đồng áng

21/01/2020 | 17:57 GMT+7

Trước tình hình dịch hại có thể xuất hiện nhiều trên cây lúa và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ngay thời điểm trước, trong và sau tết. Do đó, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần có giải pháp chủ động phòng tránh hiệu quả.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng trước, trong và sau tết.

Chủ động quản lý dịch hại

Những ngày gần cận tết, dù bà con bận không ít công việc chuẩn bị đón mừng năm mới. Thế nhưng, trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh, nông dân cũng đang tất bật công việc thăm đồng và tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật để chủ động phòng ngừa và điều trị các đối tượng dịch bệnh trên cây lúa. Đang phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông cho 1,5ha lúa của gia đình, anh Mai Văn Duy, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: “Nhiều năm qua, khi đến gần tết là lúa của gia đình chuẩn bị trổ bông. Do đó, để an tâm ăn tết, tôi và bà con ở cánh đồng này đã xịt thuốc phòng ngừa một số đối tượng dịch hại phổ biến ở giai đoạn này”.

Cùng ý nghĩ, ông Trần Văn Hoàng, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Lúa Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm nên nông dân rất quan tâm trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch hại để lúa được phát triển tốt, cho năng suất và lợi nhuận cao khi thu hoạch. Vì vậy, dù đã phun thuốc ngừa dịch hại, nhưng lúc này và ngay cả trong thời gian tết thì ngày nào tôi cũng đi thăm 2ha lúa của mình cho chắc ăn. Chứ ăn tết liên tục 3-4 ngày mà bỏ ruộng thì không an tâm, lỡ có dịch hại tấn công sẽ điều trị nặng công, tốn chi phí cao và còn ảnh hưởng đến năng suất lúa về sau. Đặc biệt, trước tình hình dịch hại được ngành chức năng thông báo sẽ xuất hiện nhiều ngay trong dịp tết sắp tới”.      

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 77.703ha lúa Đông xuân 2019-2020, trong đó giai đoạn mạ là 4.222ha, đẻ nhánh 27.791ha, làm đòng 40.314ha và trổ - chín 5.376ha. Với thời tiết hiện nay là lạnh khô, sáng sớm có sương mù nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện và gây hại trên cây lúa. Cụ thể, qua kết quả thăm đồng mới đây của ngành nông nghiêp tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 1.800ha lúa Đông xuân bị nhiễm rầy nâu với mật số từ 750-3.500 con/m2; đặc biệt rầy nâu di trú cùng với rầy nâu tại ruộng ở tuổi 5 và trưởng thành xuất hiện khá nhiều trên đồng, với mật số phổ biến từ 100-300 con/m2. Vì vậy, dự báo sẽ có đợt rầy cám nở kéo dài trên ruộng từ ngày 24 đến 30-1 (nhằm ngày 30 tháng Chạp đến ngày mùng 6 tết) trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Đây là đợt rầy cám quan trọng có khả năng xuất hiện và gây hại với mật số rất cao, đặc biệt trên các giống lúa được nông dân trong tỉnh đang canh tác nhiều như: Jasmine 85, RVT, Đài Thơm 8, OM 7347, ST 24, OM 18... Do đó, các trà lúa Đông xuân chính vụ từ giai đoạn làm đòng đến trổ - chín có khả năng bị rầy nâu gây hại nặng.

Ngoài đối tượng trên, bệnh đạo ôn lá cũng đang gây hại hơn 2.000ha, tỷ lệ ảnh hưởng từ 5-30%. Bên cạnh đó, bệnh cháy bìa lá (bạc lá) và đốm vằn cũng có xu hướng xuất hiện nhiều do điều kiện thời tiết thuận lợi. Trước tình hình trên và để đảm bảo vụ lúa Đông xuân đạt thắng lợi trên các mặt, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Sở đã có thông báo đến các đơn vị trực thuộc trong tỉnh về việc theo dõi và quản lý sinh vật gây hại trên lúa Đông xuân ở giai đoạn trước, trong va sau Tết Nguyên đán. Cụ thể là đề nghị cán bộ ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở bám sát địa bàn và theo dõi diễn biến tình hình dịch hại, đặc biệt là đối tượng rầy nâu. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ để giúp bà con an tâm vui xuân đón tết. Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng nhằm sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp quản lý kịp thời, hạn chế lây lan sang diện rộng, nhất là trong những ngay nghỉ tết.  

Các địa phương trong tỉnh sẽ chủ động đóng các cống để khống chế nước mặn xâm nhập vào nội đồng.    

Cảnh giác mặn xâm nhập

Ngoài chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên cây lúa thì ngành chức năng tỉnh còn đề nghị các địa phương và khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao với tình hình xâm nhập mặn trong thời điểm nghỉ tết. Bởi, tình hình xâm nhập mặn năm nay đang đến sớm, nồng độ ở mức cao, xuất hiện bất ngờ theo thủy triều và có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng. Đặc biệt, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng tại huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy theo triều Biển Tây mà còn ảnh hưởng đến các huyện đầu nguồn của tỉnh như: huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp theo triều Biển Đông. Cụ thể trong tháng 1 này, có thời điểm độ mặn xuất hiện với nồng độ hơn 2‰ trên sông Cái Côn đi qua huyện Châu Thành; còn tại Kênh Lầu, thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh thì độ mặn cũng thường dao động hơn 1‰.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, cho hay: Dự báo, từ ngày 23 đến 28-1 (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 4 tết), trên sông Cái Lớn, sông vàm Cái Côn, kênh Mang Cá, Ngã Năm, Quản lộ Phụng Hiệp, nước mặn theo triều Biển Tây và Biển Đông sẽ xâm nhập bất thường vào các địa phương trong tỉnh và duy trì đạt nồng độ ở mức xấp xỉ và cao hơn so với độ mặn lịch sử năm 2016. Ngoài ra, mực nước trên các kênh nội đồng sẽ xuống nhanh ở mức thấp từ ngày 19 đến 24-1, từ đó sẽ tạo điều kiện cho mặn xâm nhập nhanh; đồng thời nhiều địa phương trong tỉnh sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Trước dự báo trên, hiện ngành chức năng tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều công việc để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Điển hình là thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh, ngành thủy lợi tỉnh đang triển khai lắp đặt thêm 7 trạm đo mặn tự động trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, nâng tổng số trạm đo mặn tự động trên toàn tỉnh lên 10 trạm. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, thông tin: “Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị thi công khẩn trương lắp đặt các trạm đo mặn tự động để đảm bảo vận hành trước thời gian nghỉ tết. Khi đưa vào hoạt động sẽ giúp cho việc đo mặn được cập nhật thường xuyên, từ đó kịp thời phát hiện khi độ mặn ở mức cao để các địa phương đóng các cống ngăn mặn đúng thời điểm và thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh hiệu quả”.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trước dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt và khó lường trong dịp trước, trong và sau tết, đề nghị các ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương trong tỉnh không được lơ là mà phải nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn trong tư thế chủ động ứng phó với mọi tình huống và thống nhất tinh thần chỉ đạo chung là mặn đến đâu đóng cống đến đó. Ngoài ra, đảm bảo phân công cán bộ kiểm tra đo mặn thường xuyên tại các điểm chính để việc ứng phó được kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, vận động người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, tổ chức học tập, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong trữ và tưới nước tiết kiệm vào mùa hạn, mặn của người dân trong và ngoài tỉnh...

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo từ ngày 24 đến 26-1, độ mặn trên sông Cái Lớn ở điểm ngã ba Nước Trong có thể đạt từ 5-6,5‰, cầu Cái Tư từ 1,2-2,2‰; còn trên sông Nước Trong ở điểm đầu kênh Mười Thước là 4,5-5,5‰; trên sông Nước Đục ở điểm phà Hỏa Tiến là 5-6,5‰; trên sông Ngan Dừa ở điểm cống Ba Cô là 5,5-7‰; trên sông Mang Cá ở điểm cầu Mang Cá là 3-4‰; trên sông Cái Côn ở điểm Trạm thủy văn Phụng Hiệp là 2,5-3,5‰, điểm chợ nổi Ngã Bảy là 1-2‰.

 

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>