Thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ: Nông dân kém vui

20/01/2017 | 09:12 GMT+7

Những ngày này, bà con ở nhiều nơi trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch lúa Đông xuân sớm với tâm trạng kém vui. Bởi đây là lần đầu tiên, vụ lúa chính trong năm đạt năng suất thấp chưa từng có, kéo theo nguồn thu nhập bị giảm đáng kể, thậm chí một số hộ còn chẳng có lời.

Do bị bệnh đạo ôn cổ bông nặng nên lúa của ông Ruôl chỉ đạt năng suất 600-750kg/công.

Năng suất tụt sâu

Với vẻ mặt buồn so khi đang xem máy cắt 5 công ruộng (giống IR 50404) của gia đình, ông Lê Văn Ruôl, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Chờ hoài mới thấy nhân công hứng lúa đầy bao, chứ mọi năm vụ này, cắt một chút là bao lúa nằm lểnh nghểnh trên đồng rồi. Với tình hình này, 1 công (1.300m2) chắc độ khoảng 12-13 bao lúa là cùng, trong khi vụ Đông xuân vừa rồi lên đến 21 bao. Tính ra năng suất giảm gần 50%”.

Qua ghi nhận của chúng tôi, không riêng gì ruộng lúa của ông Ruôl có năng suất thấp, mà hầu hết bà con cắt lúa trước đó cũng chỉ thu được từ 11-13 bao, cao nhất là 15 bao, tương đương khoảng 600-750kg lúa tươi/công, giảm khoảng 500kg/công so với vụ lúa Đông xuân trước. Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thâu, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Đây là lần tiên tôi thấy vụ lúa Đông xuân có năng suất thấp kỷ lục, chỉ 500kg/công, một số hộ có 400kg/công, chứ vụ Đông xuân vừa rồi, cũng cùng giống lúa IR 50404 nhưng năng suất đạt 1,1 tấn/công”. 

Theo nhiều nông dân đang thu hoạch lúa Đông xuân 2016-2017 vào thời điểm này, nguyên nhân làm cho năng suất lúa giảm mạnh là do điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, nhất là ở giai đoạn lúa trổ đến chín thì thường xuyên có mưa nên bông lúa trên cây đều bị lem lép hạt. Bên cạnh đó, lúa còn bị bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, chuột cắn phá và rầy nâu tấn công mạnh, mặc dù bà con phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị rất nhiều nhưng hiệu quả rất thấp.

Thu nhập giảm mạnh

Trong khi đó, những ngày qua, giá lúa tươi đang được thương lái thu mua ngay tại ruộng vẫn tương đương như thời điểm cùng kỳ của vụ Đông xuân trước. Cụ thể, giống lúa IR 50404 có giá từ 4.300-4.400 đồng/kg, giống OM 5451 dao động từ 4.700-4.800 đồng/kg, giống RVT từ 5.200-5.300 đồng/kg. Từ đó, mức lợi nhuận của bà con có lúa thu hoạch vào thời điểm này đạt thấp, có hộ còn không có lời vì chi phí đầu tư cao. Theo ước tính của bà con, chi phí mà họ đã chi cho mỗi công lúa Đông xuân sớm này gần 2 triệu đồng, cao hơn khoảng 300.000 đồng so với vụ lúa Đông xuân trước.

 Nguyên nhân chi phí tăng là do năm nay, nông dân tốn nhiều tiền mua xăng, dầu bơm nước ở giai đoạn đầu vụ, vì gặp mưa dầm sau sạ. Ngoài ra còn tốn thêm tiền mua lúa giống sạ lại, cũng như tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật do dịch bệnh nhiều. Cho nên, những hộ làm giống lúa RVT bán giá cao thì tương đối có lời chút đỉnh, riêng những hộ làm giống IR 50404 hay giống OM 5451 thì hầu như chỉ huề vốn, thậm chí có hộ bị thua lỗ. Đáng ngại hơn, có không ít bà con còn bị thương lái bỏ cọc vì lúa bị nhiễm nặng rầy nâu (cháy rầy) do chất lượng gạo không đảm bảo.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: “Mặc dù trước đó, người trồng lúa nơi đây được công ty cho mượn giống RVT để sạ và hợp đồng thu mua với giá 5.200 đồng/kg, nhưng hiện nay, do lúa bị cháy rầy nặng (riêng ruộng của bà Hạnh bị ảnh hưởng khoảng 50% - PV) nên giờ thương lái không chịu mua. Chính vì vậy, tôi và bà con sau khi thu hoạch xong đành chở lúa về nhà phơi để dành ăn. Thực sự là chưa có vụ lúa Đông xuân nào mà tôi phải đối mặt với hoàn cảnh như vầy”.

Tăng cường ứng phó

Vừa thu hoạch xong 5 công ruộng (giống RVT), bán giá 5.200 đồng/kg nhưng gia đình ông Lê Văn Tòng, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy chỉ kiếm lời được khoảng 700.000 đồng/công. Không hài lòng với mức lợi nhuận trên, ông Tòng cho rằng: “Bán cũng bằng giá năm rồi nhưng do năng suất chỉ đạt phân nửa (500kg) nên mỗi công lúa mất đi khoản lợi nhuận hơn 2 triệu đồng. Vì vậy, tuy có lúa thu hoạch sớm để chuẩn bị đón tết nhưng bà con cả cánh đồng này chẳng mấy vui vẻ”.

Trước tình trạng thời tiết không mấy thuận lợi, nhất là vấn đề rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá được dự báo là sẽ tiếp tục phát triển và gây hại trên lúa Đông xuân 2016-2017 trong thời gian tới, nên ngành chuyên môn của tỉnh hiện đã triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ trước, trong và sau tết, nhằm giúp hơn 70.000ha lúa Đông xuân còn lại được thu hoạch sau tết đạt thắng lợi về năng suất, sản lượng và lợi nhuận cho nông dân, tránh tái diễn tình trạng ngoài mong muốn như diện tích lúa đã thu hoạch xong trong những ngày vừa qua.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (chi cục), cho biết: Những ngày gần đây, chi cục đã có 2 thông báo đến cán bộ khuyến nông của ngành ở các địa phương trong tỉnh và người dân. Thứ nhất là thông báo về việc tăng cường kiểm tra và hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn và bạc lá trên cây lúa; thứ hai là thông báo về việc theo dõi và phòng trừ dịch hại trên cây lúa, nhất là rầy nâu có khả năng phát triển mạnh trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

“Cả hai thông báo kể trên nhằm nhắc nhở cán bộ khuyến nông của ngành tăng cường bám sát cơ sở, tuyệt đối không lơ là trước các đối tượng dịch hại, đồng thời giúp người dân nắm bắt được tình hình và chủ động phòng trừ dịch hại kịp thời, góp phần bảo vệ tốt ruộng lúa của gia đình mình”, ông Thể khẳng định.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 77.500ha lúa Đông xuân 2016-2017. Hiện bà con đã thu hoạch được gần 2.000ha, tập trung ở huyện Vị Thủy và Long Mỹ, với năng suất bình quân chỉ đạt 6,4 tấn/ha. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000ha lúa Đông xuân được thu hoạch trước Tết Nguyên đán.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>