Tạo đột phá cho nông sản chủ lực

12/04/2018 | 09:51 GMT+7

Nhiều năm qua, tỉnh đã xây dựng được 10 loại nông sản chủ lực như khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, chanh không hạt, quýt đường Long Trị... đã và đang làm thay đổi diện mạo vùng đất mới Hậu Giang và cải thiện đời sống nông dân.

Khóm Cầu Đúc Hậu Giang được UBND thành phố Vị Thanh quy hoạch 2.000ha và xây dựng khu du lịch cộng đồng.

Chia sẻ với Tỉnh ủy Hậu Giang, GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ đã có đánh giá Hậu Giang có những mặt hàng nông sản chủ lực đắc giá, điều quan trọng là cần biết cách khai thác, chăm sóc một cách bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Những đặc sản chỉ có ở Hậu Giang là khóm, cá thát lát, mãng cầu xiêm… sẽ tiếp tục tạo bước đột phá mới nếu được tổ chức sản xuất hợp lý, khoa học.

Dù đi xứ sở nào, khóm Cầu Đúc Hậu Giang vẫn được đánh giá là ngon nhất. Bởi chỉ được trồng trên vùng đất có đặc điểm khí hậu, địa lý của vùng đất nhiễm phèn mặn huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, khóm mới có đặc trưng riêng không nơi nào có được. Chính vì vậy, khóm Cầu Đúc được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý hẳn hoi. Nắm bắt được lợi thế này, đồng thời giúp cho nông dân phát triển kinh tế, thành phố Vị Thanh đã xây dựng đề án quy hoạch và phát triển vùng khóm tại xã Hỏa Tiến. Theo đó, vùng quy hoạch có quy mô sản xuất tập trung là 2.000ha. Song song đó, thành phố còn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng khu du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc. Mô hình du lịch này không chỉ quảng bá hình ảnh vùng đất, con người xứ Hậu Giang, mà còn giúp tạo tiếng vang thương hiệu cho sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang ra toàn quốc.

Nổi tiếng không kém, sản phẩm chanh không hạt đã đem về nhiều niềm vui cho nông dân Hậu Giang. Từ một vài cây chanh không hạt gốc, nông dân Nguyễn Văn Chiến, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành đã gây dựng ra một vùng chuyên canh cho xã. Từng bước, chanh không hạt có tên tuổi, được sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP và là cây chủ lực đem về doanh thu hàng tỉ đồng cho nông dân Châu Thành. Giờ đây, chanh không hạt phủ khắp nơi, có mặt ở khắp tỉnh Hậu Giang, được nhiều nông dân tỉnh bạn như Vĩnh Long, Cà Mau tìm mua và xuất ra tận Campuchia, thị trường Đông Âu với sản lượng hàng trăm tấn/năm. Giờ đây, đi đâu, mùa nào cũng vậy, người Hậu Giang thường mang chanh để biếu tặng. Nhất là mùa nắng nóng, chanh là thứ trái cây giải nhiệt, giúp thanh mát trước cái oi bức mùa hè.

Cũng bám rễ với nông dân Hậu Giang mấy chục năm qua, xoài cát Hậu Giang nay đã có được tên tuổi riêng. Hiện nay, xoài cát Hậu Giang được chăm sóc và canh tác theo chuẩn VietGAP với quy mô hơn 22ha. Đó là kết quả của dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” do PGS.TS. Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm. Dự án hoàn thành năm qua đã giúp cho Hợp tác xã xoài cát Bảy Ngàn nói riêng và người dân trồng xoài huyện Châu Thành A nói chung nhận được nhiều kết quả tích cực. Ông Lưu Bá Lộc, Giám đốc HTX, cho biết: “Dự án triển khai trên 22ha vườn xoài của HTX đã giúp cho thành viên HTX nâng cao kỹ năng, kiến thức canh tác xoài theo hướng an toàn, chất lượng. Có thể nhận thấy thành công lớn nhất của dự án là đã xây dựng cho nông dân quy trình xử lý cho xoài ra hoa rải vụ. Đặc biệt, vụ nghịch quy trình đã kích thích ra hoa 80%, giúp tăng năng suất và thu nhập cho bà con.

Không phải ngẫu nhiên mà con cá thát lát Hậu Giang được đưa ra tận Hà Nội, mà đó là cả một quá trình phấn đấu gầy dựng thương hiệu của người dân Hậu Giang. Tâm đắc với phẩm chất thịt ngon của cá thát lát, bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở chế biến cá thát lát tẩm gia vị nhà hàng Tân Hậu Giang đã khai thác giá trị của cá, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát tẩm gia vị Tân Hậu Giang cho cơ sở mình. Song song đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Hậu Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền với tên gọi cá thát lát Hậu Giang và các sản phẩm dùng chung cho cá thát lát Hậu Giang.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang, đơn vị đã quản lý chặt và phối hợp với gần 10 cơ sở chế biến cá thát lát trên địa bàn chế biến ra sản phẩm cá chất lượng cung cấp cho thị trường. Được biết, sau khi thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận dùng cho sản phẩm cá thát lát”, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh xây dựng kế hoạch Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020” để tiếp tục hỗ trợ xây dựng, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo đó, cùng với cá thát lát Hậu Giang thì khóm Cầu Đúc, mãng cầu Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp, chanh không hạt Hậu Giang, xoài cát Hậu Giang, quýt đường Long Trị sẽ được xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Mới đây, cá thát lát Hậu Giang của các cơ sở được ngành nông nghiệp tỉnh liên kết với một doanh nghiệp tiêu thụ sản lượng ổn định khoảng 3.000 tấn/năm.

Theo mục tiêu ban đầu đặt ra, các nông sản chủ lực của Hậu Giang sẽ được định hướng như: cây lúa giữ ổn định diện tích khoảng 78.000ha; cây mía ổn định diện tích từ 10.000-12.000ha, năng suất bình quân 90-95 tấn/ha, tổng sản lượng từ 1,1-1,2 triệu tấn/năm; cây bưởi Năm Roi diện tích 2.000-2.500ha; cam sành 6.000-8.000ha; chanh không hạt 2.000ha; quýt đường Long Trị 1.000ha; khóm Cầu Đúc 2.000-2.500ha; cây xoài 3.000ha; cá thát lát Hậu Giang 300ha, cá rô đầu vuông 300ha. Để mục tiêu định hướng có kết quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan như ngành khoa học và công nghệ, ngành nông nghiệp… xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình, dự án, giải pháp và đổi mới quy trình sản xuất từ giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến khâu tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thì một giải pháp được đề ra song song với chiến lược phát triển trên là việc xây dựng và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, điểm liên kết sản xuất để tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cũng như đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đang ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển giống cây trồng, vật nuôi, cũng như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến những sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nhân rộng các mô hình sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp có hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>